Thứ Bảy, 20/4/2024 - 19:55:36 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Làm báo trong xu thế cách mạng 4.0

CHỦ NHẬT, 18/03/2018 13:05:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội báo toàn quốc năm 2018, ngày 17/3, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo phối hợp với Ban Nghiệp vụ, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng 4.0”.

Tham dự tọa đàm có đại diện cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, cơ sở đào tạo báo chí, các cấp Hội Nhà báo, phóng viên và đông đảo sinh viên báo chí.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: THANH TÙNG

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự  “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Để nắm bắt được xu thế mới này, rất cần những cuộc trao đổi, toạ đàm để các cơ quan quản lý báo chí và công chúng báo chí hiểu sâu hơn về những tác động của cuộc cách mạng 4.0 mang lại, từ đó có những bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.
 

Đông đảo các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và các sinh viên báo chí tham dự tọa đàm. Ảnh: THANH TÙNG

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh những thuận lợi, thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam hiện nay; công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trước sự phát triển của mạng xã hội; công nghệ làm báo mới và báo chí đa nền tảng; tác nghiệp của nhà báo, đạo đức người làm báo trong sự bùng nổ thông tin, công tác đào tạo báo chí trước cuộc cách mạng 4.0…

Theo TS. Trần Quang Diệu - Giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ vào tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thông từng quốc gia, tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ ra thực trạng nhiều nhà báo quá coi trọng việc phải đưa tin thật nhanh, dẫn đến thông tin thiếu kiểm chứng, không đúng sự thật phải cải chính. Không những vậy, trước sự bùng nổ của mạng xã hội, hiện tượng “hai giọng” đang diễn ra ở không ít nhà báo. Có nhiều nhà báo, khi viết bài đăng trên báo thì rất chỉn chu, đúng mực, nhưng trên facebook cá nhân lại nói một kiểu khác, có khi nói ngược lại tạo ra những nghi hoặc trong xã hội.
 

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: THANH TÙNG

Theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo được sự quan tâm rất lớn đối với các nhà báo, cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hiện nay khá nhiều cơ quan báo chí chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ. Trong khi ở nhiều quốc gia trong khu vực, trên thế giới, nhiều tòa soạn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin. Bên cạnh đó, trong thời đại kỷ nguyên số, một nhà báo hiện đại phải có đủ kỹ năng: vừa biết viết, biết chụp ảnh, biết quay video, biết sử dụng đồ họa, thậm chí biết cả lập trình.

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, thực tế những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 là rất tiềm năng, hiệu quả, song đòi hỏi ý chí, quyết tâm và cả những đầu tư không nhỏ của lãnh đạo cơ quan báo chí. “Nhưng dù thế nào, điều quan trọng vẫn là cái “tâm” của người làm báo. Nhà báo phải luôn luôn giữ những tiêu chuẩn của người làm báo là sự thật, công bằng và cân bằng. Đó là những điều mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được”- nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
 
Cách mạng công nghiệp 4.0 (Cách mạng công nghiệp lần thứ 4) là xu hướng của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”.

Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy…

PHÙNG NGUYÊN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201