Thứ Ba, 19/3/2024 - 10:48:43 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

THỨ BA, 17/08/2021 11:15:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2030, KTNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán, với các giải pháp khắc phục tác động của dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT)... Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Sỹ Thanh, Tổng KTNN về các nội dung này.

Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết đôi nét về tình hình hoạt động của KTNN trong 6 tháng đầu năm 2021?

Ông Trần Sỹ Thanh: Những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN. Với tinh thần chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ cao nhất cho các đối tượng được kiểm toán thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động PCD Covid-19, lãnh đạo KTNN kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác kiểm toán một cách phù hợp, với nhiều giải pháp hiệu quả. Đến thời điểm này, KTNN đã thực hiện tốt các nhiệm vụ của 6 tháng đầu năm 2021, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.
 
 Ông Trần Sỹ Thanh. 
 
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến ngày 30-6-2021, KTNN đã kiến nghị xử lý hơn 23.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ một số văn bản không phù hợp quy định... KTNN cũng chủ động tham gia, gửi ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022.

PV: Việc đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT luôn được các bộ, ngành quan tâm. KTNN đã triển khai nội dung này như thế nào để phục vụ hiệu quả hoạt động của ngành?

Ông Trần Sỹ Thanh: KTNN đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, thực hiện điều chỉnh theo hướng cắt giảm thời gian, quy mô, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ PCD Covid-19 (không kiểm toán đối với ngành y tế, bộ CHQS, sở công an các tỉnh đang có dịch). Đồng thời, chỉ đạo toàn ngành tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán và thực hiện cải cách hành chính như: Tổ chức họp trực tuyến, giảm các cuộc họp không quan trọng; triển khai một số giải pháp phục vụ công tác soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa tài liệu quan trọng qua mạng và trên phương tiện thông tin, viễn thông; đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo nhanh trong toàn ngành trên Cổng thông tin của KTNN. Bên cạnh đó, KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; giảm sự phiền hà đối với các đơn vị được thanh tra, kiểm toán.
 
 Hoạt động kiểm toán tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (ảnh chụp trước tháng 4-2021).
 
Song song với việc triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2021, KTNN đã ban hành Công văn số 611/KTNN-TH về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2022-2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2022. Theo đó, xác định mục tiêu gắn với lộ trình thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; định hướng kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; những vấn đề quan trọng của đất nước; phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời KTNN nước đã ban hành Văn bản số 744/KTNN-CĐ ngày 22-7-2021 về sửa đổi, bổ sung tiêu chí, thang điểm, tiêu chuẩn đánh giá thành viên đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và đoàn KTNN...

PV: Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và hoạt động hợp tác quốc tế được tổ chức như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Sỹ Thanh: Trước khi Chiến lược Phát triển KTNN giai đoạn 2011-2020 kết thúc, KTNN đã tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó xây dựng Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), nhằm đáp ứng yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục củng cố, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản chi tiêu công, nguồn lực công của Nhà nước. Ngày 16-9-2020, chiến lược đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14. Để thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược để tham mưu, giúp Tổng KTNN trong tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung hoạt động của chiến lược.
 
Hoạt động kiểm toán dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, TP Hồ Chí Minh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: MINH THÚY

Hoạt động hợp tác quốc tế trong năm 2020, 2021 cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều hoạt động bị hủy, hoãn hoặc chưa xác định được thời gian tổ chức. Tuy nhiên, KTNN vẫn đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể như: Hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 thể hiện qua việc quyết tâm thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội với mục tiêu chiến lược về kiểm toán môi trường và kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững. Tiêu biểu là việc triển khai thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công do KTNN Việt Nam chủ trì tại khu vực Đông Nam Á; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Trung Quốc và Thái Lan xây dựng chương trình nghị sự, kịch bản điều hành, chủ động xây dựng các báo cáo, tham luận của KTNN Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội ASOSAI 15 bằng hình thức trực tuyến; thực hiện thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI thông qua việc chủ trì hàng loạt các hoạt động hỗ trợ xây dựng Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2022-2025.
 
Hoạt động kiểm toán công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (ảnh chụp trước tháng 4-2021).  
 
Bên cạnh đó, KTNN tích cực duy trì thường xuyên và phát triển hợp tác song phương (thông qua trực tuyến), cụ thể: Triển khai tổ chức tọa đàm chuyên môn với KTNN Indonesia về cách thức tổ chức và quản lý đào tạo nguồn nhân lực cũng như phương pháp đánh giá chất lượng nguồn nhân lực; cử công chức, kiểm toán viên tham dự các khóa đào tạo, hội thảo trực tuyến do KTNN Hoa Kỳ, KTNN Indonesia tổ chức...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo qdnd.vn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201