Thứ Ba, 19/3/2024 - 16:39:58 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chọn đúng, trúng lĩnh vực, góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn” phát triển

THỨ BA, 17/08/2021 09:05:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Chiều 12.8, tại Trụ sở Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về tình hình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và các định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Cùng dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh và đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc
 
Phải là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín

Sau 27 năm thành lập, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá KTNN đã có những bước tiến rất dài, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, xác lập được vai trò, vị thế của mình, góp phần bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả, hợp lý trong phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia và là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập nhưng hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và trên hết là phục vụ cho lợi ích chung của đất nước và nhân dân. “Các đồng chí phải xác định rõ địa vị pháp lý và tâm thế của mình. Tinh thần của KTNN là xây dựng và phát triển, vừa đấu tranh với sai phạm, tiêu cực vừa phải ghi nhận, nhân rộng các điển hình tốt trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công. Muốn vậy, phải “nghệ tinh, tâm sáng”, KTNN phải là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín”, Chủ tịch Quốc hội nói.
 
Toàn cảnh buổi làm việc
 
Về định hướng thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng nhất mà Ban cán sự Đảng KTNN phải tập trung chỉ đạo thực hiện ngay là tổ chức xây dựng Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một nhánh trong Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự kiến sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương vào cuối năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị KTNN cần sớm xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược KTNN đến năm 2025, đặt trong bối cảnh tổng thể thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương về tổ chức bộ máy, biên chế và các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội như Nghị quyết số 161/2021/QH14 về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của các cơ quan Nhà nước, các Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021 - 2025, Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025… vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất. Thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật KTNN để kịp thời bổ sung, điều chỉnh nếu có vướng mắc, hạn chế nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả cho hoạt động của KTNN.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý KTNN bám sát các nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, lựa chọn đúng, trúng các lĩnh vực cần tập trung kiểm toán, góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, cần quan tâm kiểm toán việc thực hiện 3 chính sách vĩ mô trụ cột là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách thương mại, từ đó tham mưu cho Quốc hội những vấn đề còn vướng mắc về thể chế chính sách, chỉ ra được những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần kiến tạo sự phát triển của đất nước.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu
 
Tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, Quốc hội đã quyết định tiến hành giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022. Thực tế cho thấy, lãng phí ở nhiều lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, dự án treo… hậu quả còn lớn hơn cả tham nhũng. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước như hiện nay, chúng ta càng phải đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị KTNN cần đặc biệt quan tâm kiểm toán trong lĩnh vực này, phục vụ cho giám sát tối cao của Quốc hội nhằm tạo chuyển biến căn bản trong thời gian tới.

Cùng với đó, KTNN cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông báo chí nhằm lan tỏa thông tin, nâng cao vị thế của KTNN và nâng cao tính hiệu lực của kiến nghị của KTNN góp phần chấn chỉnh các hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức, hoạt động của KTNN. Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kết luận của KTNN; đánh giá sâu hơn nguyên nhân khiến cho việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa triệt để và có giải pháp khắc phục tình trạng này.
 
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu
 
8 tháng đầu năm kiến nghị xử lý tài chính 50.878 tỷ đồng

Báo cáo tại cuộc làm việc, Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh cho biết, trong năm 2021, KTNN tiến hành 190 cuộc kiểm toán. Tổng hợp sơ bộ 8 tháng đầu năm nay, KTNN đã kết thúc 91 Đoàn kiểm toán; kiến nghị xử lý tài chính 50.878 tỷ đồng (tăng thu ngân sách nhà nước 6.659 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 5.789 tỷ đồng và kiến nghị khác 38.421 tỷ đồng). KTNN cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 67 văn bản pháp luật (1 luật, 4 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng, 10 thông tư và 49 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Cung cấp 151 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Tòa án, Cơ quan điều tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét, điều tra, xử lý.

Về định hướng hoạt động kiểm toán trong thời gian tới, Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh cho biết, KTNN đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, KTNN đang nghiên cứu một số chủ đề kiểm toán quy mô lớn với nhiều đơn vị tham gia thực hiện trong năm 2022 như: chủ đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại các bộ, các tỉnh, thành phố và một số tập đoàn, tổng công ty; chủ đề công tác quản lý nhà nước về đất đai tại một số địa phương với mục tiêu phục vụ việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 trong năm 2022, 2023.
 
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
 
Một số chủ đề khác cũng đang được KTNN xem xét tiến hành kiểm toán trong thời gian tới như: Việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2015-2021; Việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp một số dịch vụ công ích theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công tác lập và phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; hay chủ đề kiểm toán hoạt động…

Theo daibieunhandan.vn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201