Thứ Tư, 24/4/2024 - 11:49:27 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hàn Quốc kiểm soát tín dụng các dự án bất động sản

THỨ TƯ, 26/10/2022 21:40:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO)- Để đối phó với tình hình bất ổn do sự vỡ nợ của tín phiếu dự án công viên giải trí Legoland, Hàn Quốc đã giảm mạnh việc phát hành trái phiếu chính phủ và kiểm soát tín dụng các dự án bất động sản.

Công viên giải trí Legoland tại thành phố Chuncheon của tỉnh Gangwon - Nguồn: Koreatimes


Hàn Quốc kích hoạt quỹ bình ổn thị trường trái phiếu

Chính phủ Hàn Quốc ngày 23/10 vừa qua đã công bố kế hoạch mở rộng tài trợ cho các chương trình thanh khoản lên ít nhất 50 nghìn tỷ won (35 tỷ USD) trong nỗ lực giảm bớt những xáo trộn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau việc vỡ nợ của doanh nghiệp liên quan đến dự án công viên giải trí Legoland.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp khẩn giữa Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho với Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang-yong; Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Kim Joo-hyun, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Lee Bok-hyun và ông Choi Sang-mok, trợ lý cấp cao của Tổng thống phụ trách các vấn đề kinh tế.

Tại cuộc họp được tổ chức ở Seoul, Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho thừa nhận tình hình thị trường hiện tại “rất nghiêm trọng” và cam kết sẽ “huy động đầy đủ các biện pháp chính sách sẵn có”. Các quan chức tài chính hàng đầu của Hàn Quốc đã thảo luận về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tài trợ ngắn hạn, tình hình thanh khoản.

Theo đó, Chính phủ sẽ kích hoạt "quỹ bình ổn thị trường trái phiếu" trị giá 1,6 nghìn tỷ won bắt đầu từ ngày 24/10. Một quỹ bình ổn thị trường trái phiếu trị giá 10 nghìn tỷ won đã được kích hoạt vào năm 2008 cũng sẽ được mở. Cùng với đó, 3 nghìn tỷ won được tạo ra sau đại dịch COVID-19, trong đó 1,4 nghìn tỷ won đã được bơm vào để ổn định thị trường nhằm giải tỏa lo ngại ngày càng tăng về trái phiếu doanh nghiệp và thị trường tiền tệ ngắn hạn và để ngăn chặn tình trạng suy giảm thanh khoản. Trái phiếu công ty và thương phiếu cũng sẽ được mua như một phần của chương trình thanh khoản.

Bắt đầu từ tháng 11, việc gọi vốn bổ sung, thu đổi trái phiếu từ các đối tác sẽ được thực hiện khi đối tác có nhu cầu. Mức trần cho các chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, cũng sẽ được nâng lên 16 nghìn tỷ won từ mức 8 nghìn tỷ won hiện tại. Các thương phiếu phát hành bởi các công ty tài chính hay công ty chứng khoán, sẽ được nằm trong chương trình như một phần của tài sản có thể được mua.

Bộ Tài chính cho biết phiên họp khẩn ngày 23/10 được triệu tập trong bối cảnh thị trường tiền tệ có nhiều biến động sau vụ vỡ nợ đối với khoản nợ được chính phủ bảo lãnh trị giá 205 tỷ won (143 triệu USD) được huy động để xây dựng công viên giải trí Legoland Korea ở tỉnh Gangwon. Các bất ổn bắt đầu với việc tháng trước Iwon Jeil Cha, một công ty có mục đích đặc biệt được thành lập bởi Gangwon Jungdo Development Corp (GJC) để tài trợ cho việc xây dựng khu nghỉ dưỡng, đã thanh toán khoản nợ 205 tỷ won (tương đương 142,3 triệu USD) và sau đó bị liệt vào danh sách phá sản trong đầu tháng này.

Công viên giải trí Legoland đã khai trương hồi tháng Năm vừa qua tại thành phố Chuncheon của tỉnh Gangwon, cách thủ đô Seoul 75 km về phía Đông Bắc. Tỉnh Gangwon sở hữu 44% cổ phần của công ty phát triển dự án GJC. 

Kiểm soát tín dụng các dự án bất động sản

Cũng trong ngày hôm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định giảm mạnh việc phát hành trái phiếu chính phủ trong hai tháng còn lại của năm nay. Cùng với đó, các cơ quan tài chính đã bắt đầu tiến hành một cuộc thanh tra toàn diện đối với các khoản vay tài trợ dự án bất động sản (PF). Điều này là do lo ngại các khoản vay bảo lãnh cho PF đã vượt quá 150 nghìn tỷ won, sẽ trở thành một kênh nợ xấu do bị tác động kết hợp của việc thị trường tiền tệ thắt chặt và thị trường bất động sản sụt giảm.

Phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết căn cứ tình hình thị trường, Hàn Quốc sẽ linh hoạt điều chỉnh và “việc phát hành trái phiếu chính phủ sẽ giảm mạnh so với mục tiêu".

Ngày 25/10, Ủy ban Dịch vụ Tài chính và Dịch vụ Giám sát Tài chính đã bắt đầu tiến hành xem xét tình trạng cho vay của 5.000 dự án kinh doanh bất động sản PF trên cả nước. Một quan chức của cơ quan tài chính thuộc chính phủ cho biết “Chúng tôi dự kiến sẽ kiểm tra toàn diện tình trạng khoản vay, tiến độ kinh doanh và khả năng sinh lời vào cuối tháng này”.

Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, số dư các khoản cho vay PF trên tổng số dư nợ trong lĩnh vực tài chính tính đến cuối tháng 6 là 112,2 nghìn tỷ won, tăng gần gấp đôi so với mức 59,5 nghìn tỷ won ở thời điểm cuối năm 2018. Tính cả chứng khoán do các công ty chứng khoán phát hành làm tài sản cơ sở cho các dự án phát triển bất động sản, tổng số dư nợ của PF đã lên tới 152 nghìn tỷ won.

Đặc biệt, số dư các khoản cho vay PF từ các tổ chức tài chính thứ cấp như thẻ/vốn, ngân hàng tiết kiệm và công ty bảo hiểm đã tăng vọt lên mức 83,9 nghìn tỷ won tức 74,8% trong tổng số dư nợ PF. Một quan chức tài chính cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung vào những lo ngại về khả năng mất khả năng thanh toán trong lĩnh vực tài chính thứ hai, nơi tỷ lệ quá hạn của các khoản vay PF gần đây đã tăng nhanh chóng".

Hiện tại, cơ quan tài chính cho rằng rủi ro của các khoản vay PF bất động sản vẫn chưa lan rộng ra thị trường tài chính nói chung. Tuy nhiên, việc dự phòng phương án ứng phó khẩn cấp theo tình trạng khoản vay theo lĩnh vực kinh doanh, và tiến hành điều tra tại chỗ các đầu mối kinh doanh mất khả năng thanh toán cần thực hiện ngay khi cần thiết.

Chính phủ Hàn Quốc đã phát hành 144,2 nghìn tỷ won bằng trái phiếu chính phủ từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, tương đương với 81,3% hạn mức phát hành của năm 2022 tức 177,3 nghìn tỷ won. Giới chức tài chính cho biết khi thị trường trái phiếu trở nên biến động hơn do lãi suất tăng gần đây và lo ngại về khủng hoảng tài chính, chính phủ sẽ giảm phát hành trái phiếu chính phủ và hạ lãi suất để ổn định thị trường.
 
Nam Sơn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201