(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Huỳnh Thành Đạt cho biết điều này khi giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) cho KHCN, tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
|
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu giải trình trước Quốc hội. Ảnh: VPQH
|
Khoa học công nghệ chưa là động lực và nền tảng cho phát triển
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho KHCN. Mặc dù, chưa có cơ sở tổng hợp, xác định thực tế chi NSNN cho KHCN hàng năm có đạt hay không so với mức quy định 2%, nhưng trong bối cảnh cân đối chi NSNN còn khó khăn, chi thường xuyên cho KHCN vẫn luôn được Quốc hội thông qua trung bình trong giai đoạn vừa qua khoảng 0,79% tổng chi NSNN.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, hoạt động KHCN là hoạt động có nhiều đặc thù, bản chất nghiên cứu khoa học có tính mới, rủi ro và có độ trễ. Các nghiên cứu khoa học triển khai trong nhiều giai đoạn và nhiều kết quả nghiên cứu thành công còn cần tiếp tục được đầu tư từ nguồn lực NSNN hoặc nguồn lực xã hội để phát huy trong thực tế.
Bộ KHCN đã cố gắng hình thành hệ thống các chỉ tiêu thống kê để qua đó phản ánh được tình hình và kết quả hoạt động KHCN chủ yếu của đất nước, làm cơ sở cho việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách xây dựng kế hoạch phát triển KHCN từng thời kỳ.
Bộ đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KHCN và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về KHCN. Qua đó có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua, đóng góp của ngành KHCN vào sự phát triển kinh tế - xã hội có thể được đánh giá gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu: chỉ số đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII), số lượng vốn được công bố đầu tư vào các DN khởi nghiệp sáng tạo, số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam, cơ cấu đầu tư cho KHCN từ NSNN và từ DN, số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế giải pháp hữu ích của người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam…
Theo Bộ trưởng, giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu trên đều có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, “KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, còn tồn tại tình trạng nhiệm vụ KHCN chưa bám sát với yêu cầu sản xuất và đời sống; các chương trình và nhiệm vụ công nghệ chưa góp phần hình thành các lĩnh vực công nghệ hay ngành mũi nhọn; nhiều kết quả KHCN từ các nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN còn chậm được ứng dụng trong thực tiễn do các vướng mắc về quản lý tài sản công, hệ thống thông tin thống kê về KHCN chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tính hệ thống, độ tin cậy…” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận.
Liên quan đến vấn đề thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho biết, khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KHCN chủ yếu dựa vào NSNN, chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KHCN.
Đến nay, đầu tư cho KHCN từ NSNN và từ DN đã tương đối cân bằng, với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%; giai đoạn tới 2030, phấn đấu tỷ trọng này là 30%-70% như trung bình của các nước có KHCN tiên tiến.
Khuyến khích DN trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ
Về Quỹ Phát triển KHCN của DN, Bộ trưởng nêu, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2015-2021, có 1.281 lượt DN trích lập Quỹ với tổng số tiền hơn 23.000 tỷ đồng, trong đó số sử dụng trên 14.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 60%. Số DN đã trích lập Quỹ khá khiêm tốn, chủ yếu là các DN lớn như Viettel, PVN, VNPT… có khả năng trích lập Quỹ với số tiền tương đối lớn.
Theo Bộ trưởng, việc trích lập và sử dụng Quỹ còn có những vướng mắc, khó khăn. Đó là, tỷ lệ trích lập Quỹ chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô của DN Việt Nam; gần như không có DN FDI nào trích lập Quỹ, cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ chưa phù hợp, chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó, quy định hiện nay chưa cho phép sử dụng Quỹ để mua sắm máy móc thiết bị đổi mới công nghệ để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thủ tục hành chính trong kiểm soát chi Quỹ chưa linh động với đặc thù của Quỹ; thủ tục mua sắm, phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sử dụng Quỹ thực hiện theo thủ tục của dự án đầu tư chưa phù hợp với đặc thù, tính mới, tính hiếm, tính kịp thời, tính rủi ro cao của hoạt động KHCN.
Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ KHCN đã ban hành Thông tư 05 để hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển KHCN của các DN. Thông tư này đã bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không đúng với tinh thần tôn trọng vai trò tự chủ của DN trong hoạt việc quyết định, định hướng nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…
Để khuyến khích DN trích lập Quỹ Phát triển KHCN trong giai đoạn tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ giao Bộ KHCN chủ trì nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định của Luật KHCN năm 2013, Nghị định 95/2014/NĐ-CP về cơ chế tài chính và đầu tư cho KHCN để nghiên cứu đề xuất thêm các giải pháp tăng tính hấp dẫn đối với DN trong việc trích lập và sử dụng Quỹ. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù trong mua sắm, đầu tư từ nguồn Quỹ cho KHCN và phát triển công nghệ./.
Đ. KHOA