Thứ Hai, 29/4/2024 - 22:35:49 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch bệnh

THỨ BA, 15/06/2021 16:05:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Chính phủ xác định, trong điều hành NSNN những tháng cuối năm 2021 sẽ thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm; đảm bảo đầy đủ nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để đáp ứng kịp thời các tình huống cấp bách.

Giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN

Báo cáo tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; áp lực lạm phát trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. Nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và thu, chi NSNN trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định giải pháp cho những tháng cuối năm là tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” - vừa tập trung phòng, chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Đồng thời, chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực NSNN, huy động tài trợ đóng góp tự nguyện từ cộng đồng DN, người dân trong và ngoài nước mua vắc xin và cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh.
 

Toàn cảnh Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn


Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án về tài chính-NSNN theo chương trình và yêu cầu thực tế như: Đề án phân cấp ngân sách đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và phát huy tính chủ động của ngân sách địa phương; Đề án nghiên cứu sửa các Luật Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt,... nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý thu. Trong đó, tiếp tục thực hiện miễn, giãn một số khoản thu cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; chống chuyển giá, trốn lậu thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021.

Cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết để bổ sung nguồn lực phòng, chống dịch

Trong chi NSNN, tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ; tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ xác định triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.

Theo đó, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, kinh phí các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết, để bổ sung nguồn phòng, chống dịch.

Đồng thời, thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với kinh phí chi thường xuyên các chương trình mục tiêu đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2021 (trong tổng số 12,5 nghìn tỷ đồng bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu), Chính phủ sẽ rà soát để lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, số còn lại sẽ cắt giảm chi tương ứng.

Ngay tại phiên họp, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch chưa sử dụng của Bộ Y tế năm 2020 sang năm 2021 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19; chuyển nguồn 14,6 nghìn tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương năm 2020 chưa sử dụng sang năm 2021 để hỗ trợ cho các địa phương năm 2020 và năm 2021 có khó khăn về nguồn thực hiện chính sách tiền lương đã ban hành và dành nguồn thực hiện chính sách tiền lương năm 2022.

Đồng thời, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương chi phòng, chống dịch Covid-19 như đã nêu trên.

Tán thành quan điểm của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là giải pháp tích cực và quyết liệt trong công tác quản lý tài chính - ngân sách đối với các khoản kinh phí chi thường xuyên, nhất là trong điều kiện hiện nay, cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19.

N. HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201