Chủ Nhật, 28/4/2024 - 12:22:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan thu để chống thất thu ngân sách

THỨ TƯ, 24/10/2018 17:45:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội sôi nổi tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10, trước thực trạng trốn thuế, thất thu ngân sách lớn.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nêu thực tế, tình trạng nợ thuế, thất thu thuế tập trung nhiều ở khu vực ngoài quốc doanh. Đại biểu dẫn chứng, chỉ trong năm 2017, KTNN chỉ đối chiếu thuế của 2.344 DN đã thu về tăng thêm 1.351 tỷ đồng và làm rõ, truy thu 446 tỷ đồng. “Đây mới chỉ là con số của KTNN, chưa nói đến số liệu của thanh tra chuyên ngành. Rõ ràng đây là con số cảnh báo tình trạng thất thu thuế, mất nguồn thu”- đại biểu Hùng nói.

Làm rõ thêm vấn đề này, Đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, KTNN thực hiện đối chiếu theo xác suất, lựa chọn mẫu, không trực tiếp kiểm toán vào các đơn vị tư nhân mà chỉ căn cứ vào hồ sơ thuế khi kiểm toán cơ quan thuế. Tính trên số hồ sơ mà KTNN chọn thì trên 94% là thất thu ngân sách.

KTNN cũng đã đưa vào kiểm toán chuyên đề kiểm toán hoàn Thuế Giá trị gia tăng tại 19 tỉnh, thành phố. Qua kiểm toán cho thấy, trong số hơn 100 nghìn tỷ đồng tiền Thuế Giá trị gia tăng phải hoàn trong năm 2017, KTNN phát hiện ra sai phạm gần 1.400 tỷ đồng, trong đó có tình trạng hoàn thuế không đúng quy định của Nhà nước. Chẳng hạn, dự án BT là dự án đầu tư công không được hoàn Thuế Giá trị gia tăng nhưng vẫn thực hiện hoàn thuế. KTNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, làm rõ vấn đề này. Như vậy, có thể thấy thất thu là rất lớn.
 

Đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10- Ảnh: Nguyễn Tuấn

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong thu thuế, không cần đặt ra nhiều sắc thuế mà tập trung quản lý thu cho tốt, đặc biệt là thu thuế đối với những tập đoàn kinh tế lớn, những DN có vốn đầu tư nước ngoài để tạo sự bình đẳng, minh bạch trong môi trường đầu tư. Nếu làm được như vậy, sẽ giải quyết được vấn đề giảm bội chi NSNN.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, hiện nay, công tác quản lý thuế rất lỏng lẻo, không gắn trách nhiệm của cơ quan thuế vào việc thu thuế. Bởi vì Luật thuế của chúng ta quy định là DN tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế chỉ kiểm tra theo xác suất rủi ro nên bỏ sót rất nhiều. Thực tế hiện nay trong 100 DN thì cơ quan thuế chỉ kiểm tra được khoảng 18 đơn vị, còn 82 đơn vị gần như không ai kiểm tra. Vì vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị phải gắn trách nhiệm của cơ quan thu để nâng cao trách nhiệm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã có quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Nghĩa là nếu anh đã thanh tra, kiểm toán mà không phát hiện sai phạm, sau đó người khác phát hiện ra sai phạm về cùng một nội dung thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, trong thu thuế cũng phải gắn trách nhiệm của cơ quan thu vào trách nhiệm để lọt nguồn thu. Cả ngành thuế 46 nghìn cán bộ mà chỉ kiểm tra hậu kiểm được 18% thì rất dễ xảy ra sơ hở. Trong thu ngân sách, chúng ta nuôi dưỡng nguồn thu nhưng cũng cần phải đảm bảo được sự công bằng và minh bạch- Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ quan tâm. Một điều rất quan trọng là trách nhiệm của các cơ quan thu như thế nào. “Khi kiểm toán, KTNN phát hiện ra các vụ việc sai phạm, nghĩa là đã thấy được những sơ hở dễ bị lợi dụng. Vì vậy, tôi đề nghị KTNN phải góp phần đề xuất các cơ chế sửa đổi pháp luật để đảm bảo cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong vấn đề này phải được kiểm soát chặt chẽ”- đại biểu Trương Thị Mai nói.

Cùng tham gia ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, khoảng 10 năm trước đây chúng ta thực hiện tiền kiểm sau đó lại chuyển sang hậu kiểm và thời gian gần đây là kiểm tra theo xác suất. Vì thế tỷ lệ kiểm tra rất ít, phần còn lại chưa kiểm tra thì còn khá nhiều vi phạm trong đó. Đại biểu Lê Thị Nga cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm cần có quy định để gắn trách nhiệm của cơ quan thu vì tình trạng trốn thuế là khá lớn.
Đ. KHOA  

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201