Thứ Năm, 25/4/2024 - 17:22:30 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính): Còn nhiều giải pháp để huy động thêm nguồn thu ngân sách…

THỨ HAI, 29/10/2018 08:25:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Trong nhiều năm qua, nền kinh tế Việt Nam vừa tăng về quy mô, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định. Cùng với đó, sự đột phá của khoa học công nghệ cũng tạo ra nhiều điều kiện để phát triển những ngành nghề mới như: kinh tế chia sẻ, kinh tế số… Do vậy, ngân sách quốc gia đã có không ít cơ hội để huy động thêm nguồn thu. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để năng lực quản lý có thể bắt kịp với sự phát triển trên?

Hàng loạt các yếu tố thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, quá trình hội nhập quốc tế cùng sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ… đã  tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế nhưng cũng đặt ra vô số thách thức đối với hệ thống quản lý thuế của quốc gia. Thực tế hiện nay, các chính sách, chế độ cũng như năng lực quản lý về thuế vẫn chưa vươn tới và chưa bắt kịp sự thay đổi của các lĩnh vực, ngành nghề. Đây chính là một bất cập, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải tìm được những giải pháp phù hợp. 

Huy động thêm nguồn thu bằng tăng cường năng lực quản lý 

 

Ông Nguyễn Văn Phụng
 
Các nước trên thế giới thường áp dụng 4 giải pháp để thực hiện mục tiêu thu ngân sách, đó là: ban hành và duy trì các chính sách phát triển kinh tế để tăng quy mô thu NSNN trên nền thuế hiện có; ban hành thêm các loại thuế mới; điều chỉnh hệ thống thuế hiện có như: tăng cơ sở thuế, cắt giảm thuế suất, cắt giảm các ưu đãi; tăng cường công tác quản lý thuế, bảo đảm công bằng trong thực thi và tuân thủ, chống thất thu… Việt Nam nên học tập kinh nghiệm tốt và vận dụng những nội dung phù hợp, không nên làm khác phương pháp truyền thống đang được các nước thực hiện.  

Để thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế, Việt Nam đã ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2011, Nghị quyết về biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, nâng thuế suất bảo vệ môi trường đối với xăng, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân... 

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã đặt ra mục tiêu là mức động viên từ thuế, phí và lệ phí phải hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, đồng thời trở thành một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả. Xung quanh vấn đề mức độ huy động vào ngân sách hợp lý vẫn còn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, việc đánh giá tỷ lệ này cao hay thấp phải căn cứ trên mức độ chịu đựng của nền kinh tế và khả năng chi ngân sách. Thu và chi ngân sách luôn phải gắn kết với nhau. Thu phải tính đến chi, phải dựa trên cơ sở sức chịu đựng của nền kinh tế và hiệu ứng tác động trở lại nền kinh tế. 

Việt Nam cần phải mở rộng cơ sở thuế và từng sắc thuế trên cả hai phương diện: chính sách và cách quản lý. Có chính sách tốt nhưng quản lý không tốt thì cơ sở thuế sẽ bị thu hẹp một cách tự nhiên. Hiện nay, nước ta đang hướng về việc tăng cường quản lý để bảo đảm chính sách thuế được thực thi công bằng và hiệu quả. Khi đó, không cần tăng thuế, không cần sửa thuế, Nhà nước vẫn tăng được nguồn thu. 

Có nhiều giải pháp khác để tăng nguồn thu…

Khi tư vấn cho mọi nền kinh tế, các chuyên gia tài chính quốc tế thường có một câu rất “truyền thống”: giải pháp chính để tăng thu ngân sách là huy động nguồn thu nội địa. Dĩ nhiên, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chúng ta cũng nhận thức rõ rằng, để huy động được nguồn thu thì phải dựa vào nội lực của nền kinh tế chứ không thể “há miệng chờ sung”.

 Muốn nhận định tỷ lệ động viên thuế của Việt Nam ở mức thấp hay cao thì phải nhìn vào vế thu để xem tỷ lệ động viên trên GDP là bao nhiêu, nhìn vào vế chi để biết việc chi tiêu thuế cho các mục tiêu như thế nào. Hiện nay, ngành nào cũng muốn tăng chi ngân sách, ai cũng muốn tăng tỷ lệ chi trên GDP thì tiền đâu cho đủ? Tổng số thu chỉ có chừng ấy nhưng ai cũng đòi chia phần to hơn thì rất khó cho quốc gia. Chúng ta hãy nghĩ cách nào để “chiếc bánh” ngân sách to ra trước khi nghĩ đến việc tăng chi từ đó.

Ở góc độ thuế thu nhập DN, Việt Nam có lẽ đang là một trong những “thiên đường thuế”. Bởi lẽ, Việt Nam có thuế suất chuẩn là 20%, thuế suất ưu đãi là 10%, 15%, 17%; bên cạnh đó còn miễn thuế suốt đời dự án, có miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm. Như vậy, nếu tính tổng thì thuế suất biên của Việt Nam tương đối thấp; so với các nước trong khu vực, thuế thu nhập DN đang rất cạnh tranh. Điều này thuận lợi cho DN nhưng lại gây thiệt thòi cho NSNN.

Hiện nay, Việt Nam cũng chưa thu thuế cổ tức của DN khi đầu tư vào DN khác có lợi nhuận sau thuế, mà chỉ thu thuế cổ tức đối với thu nhập cá nhân nhưng ở mức rất thấp là 5%. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần tính đến quan hệ liên thông giữa thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập DN. Trên giác độ thuế trực thu, Việt Nam đang chấp nhận giải pháp khuyến khích tích tụ và tích lũy nên đã giảm thuế thu nhập DN và giữ thuế thu nhập cá nhân ở mức thấp trong một thời gian dài. Đây cũng là dư địa mà nhiều chuyên gia đã đề cập và những người làm chính sách thuế cũng phải nghiên cứu nghiêm túc.

Có một điều rất dễ nhận thấy, tỷ lệ động viên vào ngân sách đối với khu vực đầu tư nước ngoài hiện đang rất thấp so với GDP. Thứ nhất, khi tham gia các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam chủ yếu là gia công và gia công để xuất khẩu. Theo quy định hiện hành, đã xuất khẩu thì không thu thuế giá trị gia tăng, không những không thu mà còn phải hoàn, nên phần thu thuế gián thu đối với DN đầu tư nước ngoài có thấp hơn so với DN trong nước. Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện giấy phép đầu tư đã cam kết với nhóm DN này, muốn cắt giảm ưu đãi thuế thì ít nhất phải đợi đến khi hết thời gian ưu đãi. Chính vì vậy, đây chưa phải là thời điểm để Nhà nước điều chỉnh lại cơ cấu thu thuế thu nhập DN đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, vấn đề này phải giải quyết trong trung hạn và dài hạn.

Một giải pháp quan trọng khác để tăng thu là thực hiện chống gian lận thuế. Sau một năm thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, số cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tuy chưa nhiều bằng năm trước nhưng tỷ lệ sai, tỷ lệ gian lận có giảm đi. Điều này cho thấy, Nghị định này đã mang lại hiệu ứng tốt, tạo ra sức răn đe để DN khai thuế chuẩn chỉ hơn nhiều so với thời gian trước đó. Tới đây, cơ quan quản lý cần phải tiếp tục hoàn thiện các giải pháp chống gian lận thuế như là một cách thức để NSNN tăng thêm nguồn thu.

THÙY ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán 43 ra ngày 25-10-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201