Thứ Năm, 25/4/2024 - 23:28:08 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ về kiểm toán môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

THỨ SÁU, 11/09/2020 17:05:16 | TRONG NƯỚC
(BKTO)- Căn cứ quy định của pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động kiểm toán môi trường do KTNN thực hiện thời gian qua, KTNN đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị xem xét, bổ sung chức năng, nhiệm vụ kiểm toán môi trường của KTNN trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020.

Môi trường là đối tượng kiểm toán của KTNN

Công văn của KTNN nêu rõ, KTNN với vai trò là cơ quan hiến định độc lập có trách nhiệm kiểm toán môi trường (KTMT) để phục vụ Quốc hội giám sát công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý chức năng, giúp Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
 

Kiểm toán môi trường là hoạt động không thể thiếu của các cơ quan KTNN - Ảnh: ST
 

Vì vậy, sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), KTNN đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật một điều về KTMT do KTNN thực hiện tại “Chương XIV. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo môi trường”.

Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ rõ, hiện nay, quy định tại Điều 75 (“Mục 1. Quy định chung về quản về quản lý chất thải”, “Chương VI. Quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác”) là không phù hợp và làm giới hạn KTMT chỉ trong phạm vi chất thải. Trong khi đó, phạm vi KTMT là rất rộng, do thành phần cấu tạo nên môi trường và những ảnh hưởng đến môi trường là đa dạng.

Kiến nghị, đề xuất trên của KTNN được căn cứ trên các quy định của pháp luật hiện hành, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn KTMT do KTNN đã thực hiện.

Theo đó, về cơ sở pháp lý, cần khẳng định môi trường là tài sản công. Theo quy định tại Khoản 36, Điều 3 của Dự thảo Luật thì “Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác”. Quy định về tài sản công tại Luật KTNN xác định “Tài sản công bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác…”. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng nêu “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thông nhất quản lý, bao gồm…; đất đai và các tài nguyên khác”.

Bên cạnh đó, nguồn lực bảo vệ môi trường là tài chính công. Điều 151, 152, 153 và 154 Dự thảo Luật quy định nguồn lực về bảo vệ môi trường là từ NSNN, tín dụng xanh, trái phiếu xanh và Quỹ Bảo vệ môi trường, đây là các nguồn lực tài chính công theo quy định của Luật KTNN.

Điều 118 Hiến pháp và Điều 4 Luật KTNN quy định rõ, tài chính công, tài sản công là đối tượng kiểm toán của KTNN. Điều 14 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành cũng quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công. Như vậy, môi trường chính là đối tượng kiểm toán của KTNN.

Tạo thuận lợi cho KTNN trong thực hiện kiểm toán môi trường

Về mặt thực tiễn, trong những năm qua, KTNN đã từng bước thực hiện KTMT. Có thể kể đến một số cuộc kiểm toán tiêu biểu có nội dung liên quan đến môi trường do KTNN thực hiện như: Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; cuộc kiểm toán các vấn đề nước sông Mê Kông năm 2012 (cuộc kiểm toán song song với 05 cơ quan KTNN Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam); các cuộc kiểm toán chuyên đề về quy hoạch đô thị, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản; gần đây là các cuộc kiểm toán về công tác quản lý và xử lý chất thải y tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, nhập khẩu phế liệu, quản lý và sử dụng túi ni lông ở TP. Hồ Chí Minh…
 

Kiểm toán viên nhà nước kiểm tra công trình xử lý nước thải- Ảnh: Ngọc Bích
 

Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, truy nộp ngân sách nhiều nghìn tỷ đồng, KTNN còn chỉ ra nhiều sai phạm của các DN, cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường; kiến nghị “bịt lỗ hổng” nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường (kiến nghị sửa đổi, bổ sung 09 văn bản, hủy bỏ 01 văn bản và ban hành mới 08 văn bản).

Từ thực tế trên, theo KTNN, việc đưa hoạt động kiểm toán vào Luật Bảo vệ môi trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho KTNN thực hiện tốt hơn vai trò đã được hiến định.

Ở góc độ kinh nghiệm quốc tế, theo khảo sát của Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), hầu hết các cơ quan KTNN thuộc INTOSAI đều có chức năng pháp lý về thực hiện KTMT, trong đó kiểm toán hoạt động chiếm 93%, kiểm toán tuân thủ chiếm 88% và kiểm toán tài chính chiếm 87%. Nhiều cơ quan KTNN trên thế giới đã thành lập Vụ chuyên biệt về KTMT, như KTNN Trung Quốc, KTNN Canada... Điều này cho thấy, KTMT là một hoạt động kiểm toán không thể thiếu của các cơ quan KTNN trên thế giới.

Trên cơ sở các căn cứ trên, KTNN đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét các nội dung đề xuất của KTNN.
 
 KTNN đề nghị Bổ sung “Điều 168. Kiểm toán môi trường (đặt ngay sau “Điều 167. Kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường” của Dự thảo Luật)
1. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị có liên quan trong công tác bảo vệ môi trường.
2. Nội dung kiểm toán môi trường bao gồm:
a) Kiểm toán tài chính là việc kiểm toán để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường và các chương trình, hoạt động có liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ môi trường;
b) Kiểm toán tuân thủ là việc kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện;
c) Kiểm toán hoạt động là việc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, và các chương trình, hoạt động có liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
Căn cứ vào yêu cầu của từng cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định nội dung kiểm toán của từng cuộc kiểm toán theo Luật Kiểm toán nhà nước.
3. Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện kiểm toán môi trường của đơn vị mình hoặc thuê đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục và phương pháp thực hiện kiểm toán môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ".

N. HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201