Thứ Sáu, 29/3/2024 - 15:25:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm toán môi trường của Kiểm toán Nhà nước

THỨ HAI, 31/08/2020 08:15:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Trên cơ sở nhìn nhận rõ những kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế trong công tác kiểm toán môi trường (KTMT) thời gian qua, tại Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán môi trường” do KTNN tổ chức ngày 25/8, các đại biểu đã đề cập toàn diện các vấn đề về KTMT, trong đó nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực kiểm toán nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTMT của KTNN.


Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Lê Hòa

Khó khăn, thách thức trong kiểm toán môi trường 

Với việc lựa chọn những vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm, thời gian qua, KTNN đã từng bước triển khai một số cuộc KTMT dưới hình thức kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, những bất cập, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật cũng như hạn chế trong việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, đơn vị, dự án; từ đó đưa ra những kiến nghị phù hợp, kịp thời. 

Điển hình như các cuộc kiểm toán: Hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; Hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải các khu công nghiệp; Hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải y tế; Việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông thông thường của TP. HCM theo đề án của Chính phủ…

Tuy nhiên, lãnh đạo KTNN và bản thân mỗi kiểm toán viên đều nhận thức rõ KTMT là một lĩnh vực kiểm toán rất mới mẻ và khó. Vì vậy, dưới các góc độ tiếp cận khác nhau, các ý kiến tại Tọa đàm chỉ ra rằng, việc triển khai thực hiện công tác KTMT của KTNN còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo bà Hán Thị Bích Hồng - Phó Trưởng phòng Kiểm toán hoạt động (Vụ Tổng hợp), mặc dù thành quả bước đầu trong phát triển KTMT của KTNN là tương đối khả quan song cũng cần xác định KTMT là khái niệm mới ở Việt Nam, do đó, kinh nghiệm KTMT đối với kiểm toán viên nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT còn sơ sài, chưa được xây dựng một cách đầy đủ và chuyên nghiệp để phục vụ tốt cho công tác kiểm toán.

Từ thực tế đơn vị, đại diện KTNN khu vực VI chia sẻ, KTMT đòi hỏi kiểm toán viên phải có kiến thức và kỹ năng kiểm toán tương đối toàn diện, đặc biệt là các kỹ năng trong kiểm toán hoạt động như xây dựng tiêu chí kiểm toán, đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán. Trong khi đó, lực lượng kiểm toán viên của KTNN trong lĩnh vực này còn đang mỏng và thiếu. 

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhận định, do KTMT là lĩnh vực mới và khó, vì vậy, từ thực tiễn có thể thấy năng lực KTMT của KTNN còn hạn chế cả về đội ngũ, kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán cũng như trong công tác tổ chức thực hiện. Quá trình xác định mục tiêu kiểm toán, xác định tiêu chí kiểm toán đối với từng nội dung kiểm toán sao cho khả thi, xác định cách thức, phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán phù hợp còn lúng túng. Bên cạnh đó, giới hạn về thời gian kiểm toán cũng là khó khăn, hạn chế trong công tác KTMT.

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán môi trường

Từ những khó khăn, thách thức trên, tại Tọa đàm, các đại biểu đến từ các đơn vị kiểm toán trong toàn Ngành đã chia sẻ, thảo luận về kinh nghiệm KTMT, từ đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực kiểm toán và chất lượng của các cuộc KTMT. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị, kế hoạch kiểm toán trong những năm tới cần tiếp tục tập trung ưu tiên lựa chọn những vấn đề trọng yếu trong quản lý nhà nước về môi trường; có kế hoạch kiểm toán trung hạn, hằng năm việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đồng  thời, cần xác định KTMT là một trong những nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Đặc biệt, các ý kiến đều nhấn mạnh việc đổi mới cách thức tổ chức KTMT. Theo đó, trong thời gian tới, KTNN cần ưu tiên tổ chức các cuộc kiểm toán với phạm vi toàn ngành, nhằm đưa ra những đánh giá chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể. Việc lựa chọn các chủ đề kiểm toán cần phù hợp, có sự cân đối giữa tính khả thi của cuộc kiểm toán và tầm quan trọng của vấn đề. Theo ông Tô Tuấn Anh (KTNN chuyên ngành III), thời gian tới, có thể thu thập những báo cáo về hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hoặc các báo cáo về môi trường của sở TN&MT các địa phương, nhằm nghiên cứu, đề xuất xây dựng một kế hoạch KTMT mang tính dài hạn; đồng thời, học hỏi và áp dụng có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai KTMT.

Bà Nguyễn Thị Vinh Nga - Trưởng phòng Kiểm toán hoạt động (KTNN khu vực IV) - chia sẻ: Để đảm bảo tính khả thi thì việc lựa chọn mục tiêu kiểm toán phải phù hợp với chủ đề kiểm toán, lựa chọn số lượng mục tiêu trọng điểm để cuộc kiểm toán có chiều sâu; không chọn nhiều mục tiêu để tránh trùng lặp, chồng chéo, dàn trải. Việc thiết lập mục tiêu kiểm toán phải phù hợp thực tiễn để có đánh giá phù hợp và đạt được sự đồng thuận của đơn vị được kiểm toán. Mục tiêu, tiêu chí kiểm toán cần cụ thể, đảm bảo tính dễ hiểu cho các kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán.

Trong thu thập bằng chứng kiểm toán, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những phương pháp truyền thống thì phương pháp phỏng vấn lấy ý kiến cộng đồng dân cư và phương pháp kiểm tra hiện trường được sử dụng đối với các dự án chọn kiểm toán chi tiết sẽ đặc biệt phát huy tác dụng trong công tác KTMT. Đặc biệt, KTMT thường kết hợp của cả ba loại hình (nội dung) kiểm toán, trong đó, kiểm toán hoạt động giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, đòi hỏi kiểm toán viên thực hiện KTMT phải có kiến thức và kỹ năng kiểm toán tương đối toàn diện, đặc biệt là các kỹ năng trong kiểm toán hoạt động như: xây dựng tiêu chí kiểm toán, đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán... Thực tế đó đặt ra yêu cầu về việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng KTMT cho kiểm toán viên. Đồng thời, để các cuộc KTMT đạt hiệu quả cao, cần áp dụng phương pháp hiện đại dựa trên công nghệ để thực hiện kiểm toán; đẩy mạnh công tác truyền thông về kết quả KTMT để nâng cao nhận thức của xã hội về lĩnh vực kiểm toán này.
 
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng: Để thực hiện tốt công tác kiểm toán trong lĩnh vực môi trường, ưu tiên hàng đầu là tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ KTMT thông qua các hình thức như hội nghị, hội thảo và các khóa đào tạo chuyên môn về môi trường, KTMT trong nước và quốc tế; khuyến khích cán bộ trong Ngành nghiên cứu khoa học về KTMT để có cơ sở lý luận tốt trong việc triển khai và áp dụng các cuộc KTMT; thông qua hoạt động kiểm toán hợp tác giữa các cơ quan kiểm toán dưới hình thức kiểm toán song song hoặc kiểm toán chung nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết, học hỏi lẫn nhau giữa các cơ quan KTNN.

HỒNG HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201