Thứ Tư, 01/5/2024 - 20:52:11 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đẩy mạnh kiểm toán môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững

THỨ BA, 25/08/2020 08:20:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Trong những năm qua, KTNN đã thể hiện rõ lập trường nhất quán đối với vấn đề bảo vệ môi trường và nỗ lực không ngừng để thực hiện. Đặc biệt, với chức năng được hiến định là cơ quan hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, KTNN sẽ thực hiện chức năng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đối với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV) đã được Chính phủ ban hành.


Kiểm toán viên nhà nước kiểm tra công trình xử lý nước thải. Ảnh: Ngọc Bích

Đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực của các chính sách 

Theo đại diện KTNN chuyên ngành III - đơn vị được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao nhiệm vụ tham mưu, tổ chức triển khai và áp dụng kiểm toán môi trường (KTMT), công cụ KTMT sẽ giúp KTNN thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với các vấn đề môi trường một cách có hệ thống và khoa học để xem xét, đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực của các chính sách, quy định do Chính phủ ban hành; chỉ ra những điểm bất cập, vướng mắc. Từ đó, KTNN sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh các chính sách, quy định một cách kịp thời, hiệu quả, hiệu lực. 

Bên cạnh đó, với việc áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động, KTNN sẽ đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với các chương trình, hoạt động liên quan tới các mục tiêu PTBV. Đây là một trong những nội dung kiểm toán quan trọng. Bên cạnh việc xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính, điều mà lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan quản lý cũng như người dân quan tâm chính là việc sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công có thực sự hiệu quả? Cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương được thực hiện ra sao? Đây cũng chính là những vấn đề được gợi mở từ các cuộc KTMT do một số cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong khu vực thực hiện thời gian qua. Điển hình như cuộc kiểm toán công tác quản lý chất thải rắn do cơ quan KTNN Lào thực hiện năm 2010-2011, bước đầu mang lại những kết quả tích cực với việc đã chỉ ra thực trạng và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp triệt để để khắc phục tình trạng ô nhiễm do chất thải rắn gây ra. Hay như cuộc kiểm toán công tác quản lý và kiểm soát xói mòn tại lưu vực sông Mê Công do cơ quan KTNN Myanmar thực hiện trong giai đoạn 2011-2012 đã chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý nguồn nước tại chính nước mình cũng như thực trạng thiếu hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế... Chính những bất cập này là nguyên nhân dẫn đến việc bảo vệ môi trường tại đây chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 

Thông qua hoạt động kiểm toán, cơ quan kiểm toán sẽ đưa ra những đánh giá khách quan, cung cấp thông tin một cách toàn diện, cũng như đề xuất các kiến nghị phù hợp giúp cho các cơ quan quản lý kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót nhằm nâng cao tính hiệu quả đối với các chương trình, hoạt động kế tiếp. Bên cạnh đó, kiểm toán còn góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói chung và cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV nói riêng. Đây cũng là một trong những nội dung cơ bản của mục tiêu PTBV số 16: Xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp. 

Đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường 

Nhìn lại chặng đường phát triển của KTNN Việt Nam, có thể nói, hoạt động KTMT tuy mới hình thành song đã được lãnh đạo KTNN quan tâm, chú trọng. KTNN đã và đang từng bước hoàn thiện về cơ cấu, tổ chức cho lĩnh vực KTMT, với việc thành lập Phòng KTMT thuộc KTNN chuyên ngành III. Phòng có chức năng tổ chức triển khai và áp dụng KTMT; đề xuất ban hành chính sách, quy trình về KTMT... Lãnh đạo KTNN cũng đặc biệt chú trọng đến các nội dung KTMT và thường xuyên quán triệt thực hiện các nội dung này đến các đơn vị kiểm toán thông qua các diễn đàn, hội nghị cũng như các văn bản chỉ đạo cụ thể. Bên cạnh những nội dung KTMT được lồng ghép trong các loại hình kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán báo cáo tài chính, KTNN đã và đang thực hiện một số cuộc KTMT chuyên biệt. Tính từ khi thành lập bộ phận chuyên về KTMT đến nay, KTNN đã thực hiện 6 cuộc kiểm toán chuyên sâu về lĩnh vực môi trường, từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm chấn chỉnh, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn. 

Đặc biệt, tại Cuộc họp trực tuyến Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 vừa qua, KTNN Việt Nam đã đề xuất chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán nguồn nước lưu vực sông Mê Công, với sự tham gia của các cơ quan kiểm toán Myanmar, Thái Lan và sự hỗ trợ kỹ thuật của một số tổ chức quốc tế. Theo kế hoạch, cuộc kiểm toán dự kiến được khởi động vào quý IV/2020 và các SAI chính thức thực hiện kiểm toán vào năm 2021. Cuộc kiểm toán được kỳ vọng mang lại những phân tích, đánh giá và khuyến nghị các giải pháp có tính bền vững nhằm cải thiện môi trường trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an ninh nguồn nước và các quốc gia liên quan chưa có sự quan tâm đúng mức đối với vấn đề này. 

Theo ông Lê Doãn Hoài - Trưởng phòng KTMT (KTNN chuyên ngành III), để triển khai cuộc kiểm toán này, đơn vị đang phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế cùng chuẩn bị tài liệu, lấy ý kiến các cơ quan kiểm toán cùng tham gia. Do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, các bên sẽ phải điều chỉnh công việc cho phù hợp nhưng sẽ cố gắng hoàn thành tốt các công việc đề ra theo đúng kế hoạch.  

Đề cập đến trọng tâm KTMT liên quan đến các mục tiêu PTBV, ông Lê Doãn Hoài cho biết thêm, qua phân tích thực trạng về KTMT nói chung và KTMT liên quan đến các mục tiêu PTBV nói riêng, trong giai đoạn này, KTNN xác định việc kiểm toán công tác chuẩn bị của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV là một trong những nội dung kiểm toán quan trọng nhằm đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các nỗ lực của Chính phủ, cũng như thiết lập một cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030.
 
Cuộc kiểm toán hợp tác liên quan đến nguồn nước lưu vực sông Mê Công giai đoạn 2020-2021 do KTNN Việt Nam đề xuất, chủ trì thực hiện chính là một trong nhiều hành động thiết thực để bảo vệ môi trường khu vực, cũng như góp phần thực hiện các mục tiêu vì sự PTBV của quốc gia.

NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201