Thứ Sáu, 29/3/2024 - 06:31:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tháo gỡ khó khăn về cho vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67

THỨ HAI, 11/11/2019 08:30:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Nhiều con tàu công suất lớn được đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67) hoạt động không hiệu quả, khiến nhiều chủ tàu ngập trong nợ nần, nợ xấu gia tăng nhanh, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Để hạn chế nợ xấu và thu hồi các khoản nợ vay, ngành ngân hàng đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong triển khai Nghị định này.

Nợ xấu tăng nhanh

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thực hiện Nghị định 67, tính đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014-2020 với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3% tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.
Đề cập đến vấn đề này tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết, tại tỉnh Bình Định, cú hích của Nghị định 67 đã góp phần hiện đại hóa tàu cá vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định đã xảy ra một số bất cập và vấn đề lớn nhất hiện nay là dư nợ cho vay chuyển sang nợ xấu ngày càng tăng. Bình Định hiện có 47 chủ tàu bị nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng với tổng số tiền gần 208 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc là 100,4 tỷ đồng và nợ lãi là 107 tỷ đồng. 

“Khách hàng chậm trả nợ hoặc không trả nợ tác động lớn đến tình hình tài chính của các ngân hàng tham gia cho vay. Đến nay, nhiều ngân hàng đã khởi kiện ngư dân vay đóng tàu theo Nghị định 67 và số vụ khởi kiện ngày càng tăng, trong khi nhiều ngư dân rơi vào cảnh nợ nần” - đại biểu Nhường nêu thực tế.

Chỉ ra một số hạn chế dẫn tới tình trạng trên, đại biểu Nhường cho rằng, khi triển khai Nghị định 67, chúng ta chưa cảnh báo khả năng trữ lượng nguồn thủy sản có khác biệt với công suất tàu cá nên công suất tàu đóng theo Nghị định 67 đã vượt trữ lượng cá ở vùng biển. Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục 21 tàu vỏ thép, áp dụng cho toàn quốc nhưng khi áp dụng cho từng địa phương, nhiều điều vẫn còn chưa phù hợp. Mặt khác, để phát triển nghề cá bền vững, cần triển khai đồng bộ về phương tiện, kỹ thuật, ý thức; phải đào tạo ngư dân làm chủ được tàu vỏ thép chứ không chỉ nâng cấp về phương tiện. Việc triển khai “vội vàng” khiến những ngư dân chưa được đào tạo, thích nghi phương tiện mới đã trở thành con nợ xấu sau khi đóng tàu vỏ thép. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá lại và tháo gỡ kịp thời bất cập, hỗ trợ những ngư dân tiên phong thực hiện Nghị định này.

Tích cực hỗ trợ ngư dân để hạn chế nợ xấu

Theo NHNN, ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến việc ngư dân không trả được nợ vay, nhiều ngư dân có thái độ chây ỳ, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, coi đây là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Trước thực trạng này, NHNN đã rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện một số giải pháp đồng bộ từ các Bộ, ngành T.Ư đến chính quyền địa phương, các hiệp hội nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ ngân hàng thương mại (NHTM) thu hồi nợ vay, hạn chế nợ xấu gia tăng.

Đối với các ngư dân không trả được nợ ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính quy định bổ sung một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Ngư dân được các NHTM cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 trong thời gian cơ cấu. Cụ thể, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 33 tỷ đồng. Trường hợp chủ tàu gặp khó khăn không trả được nợ vay đến hạn không phải do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, các NHTM đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 110 tỷ đồng nhằm hỗ trợ ngư dân có thời gian thu xếp nguồn trả nợ. Bên cạnh đó, các NHTM cũng hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt; kịp thời nắm bắt các khó khăn, kiến nghị của ngư dân để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý.

Đối với trường hợp ngư dân cố tình chây ỳ, không trả nợ, bên cạnh việc đôn đốc nhắc nhở, vận động ngư dân thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ trong quan hệ tín dụng, trong trường hợp cần thiết sẽ có biện pháp xử lý phù hợp như khởi kiện theo quy định. Theo báo cáo của 4 NHTM nhà nước, hiện có 39 trường hợp đang khởi kiện chủ tàu ra tòa.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM chủ động phối hợp khách hàng thu nợ, nắm bắt và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân; phối hợp để có biện pháp xử lý dứt điểm đối với ngư dân cố tình chây ỳ không trả nợ vay; đồng thời đề nghị: các tỉnh, thành phố ven biển hỗ trợ ngành ngân hàng thu hồi nợ vay; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm xử lý khó khăn cho người dân liên quan đến chính sách bảo hiểm, bồi thường thiệt hại khi rủi ro xảy ra, hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu...

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 07-11-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201