Thứ Sáu, 26/4/2024 - 04:58:01 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu

THỨ HAI, 21/10/2019 09:05:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1058) đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Đây là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3%.


Mục tiêu giảm nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được. Ảnh: TTXVN

Đã xử lý gần 237.000 tỷ đồng nợ xấu

Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 diễn ra ngày 15/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 gắn với các mục tiêu phát triển ngành ngân hàng theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 986), thời gian tuy chưa dài, nhưng đã thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và cả xã hội nói chung trong việc xử lý một cách có hiệu quả đối với các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.

Nhờ đó, công cuộc tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã đạt những kết quả quan trọng. Đến nay, về cơ bản, các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần. Chất lượng tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến ngày 31/8/2019 là 1,98%).

Thực tế triển khai cho thấy, Nghị quyết 42 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD trước đây. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, trung bình mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9.600 tỷ đồng, cao hơn 4.700 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017, trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. 

Ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Hướng tới mục tiêu giảm nợ xấu về mức dưới 3% vào năm 2020

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 42, Quyết định 1058 và Quyết định 986, tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo, NHNN yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành nghiêm túc thực hiện các giải pháp và lộ trình đề ra trong các văn bản trên, cũng như chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Trong đó, một số giải pháp trọng tâm là: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án đã được phê duyệt để chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tham mưu xử lý về vấn đề tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tập trung xử lý phương án cơ cấu lại một số ngân hàng mua bắt buộc, các TCTD phi ngân hàng yếu kém, các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém…; chỉ đạo các TCTD rà soát việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; chủ động nhận diện các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu để có giải pháp ngăn ngừa nợ xấu phát sinh; đẩy nhanh tiến độ xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo mục tiêu đề ra…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nghị quyết 42, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và Quyết định 1058 là một mốc son trong nhiệm kỳ này về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD. Sau 2 năm nhìn lại, kết quả đạt được là hết sức quan trọng, khá toàn diện. Nợ xấu giảm nhanh, các TCTD tăng trưởng được một bước, nhiều ngân hàng đạt chuẩn Basel II và đã “sạch” nợ tại VAMC.

Theo Phó Thủ tướng, với tiến độ xử lý nợ xấu như hiện nay, mục tiêu giảm nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được, đóng góp tích cực vào cơ cấu lại TCTD và các chính sách vĩ mô khác, góp phần giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tín nhiệm nhiều TCTD, củng cố nền tảng của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh diễn biến thế giới khó lường.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu ổn định vĩ mô là hàng đầu và gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các tác động từ bên ngoài và trong nước, bảo đảm an toàn hệ thống. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm xử lý nợ xấu là kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro; tuân thủ quy định pháp luật nhưng có cơ chế thử nghiệm với trường hợp đặc thù; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCTD; đề cao trách nhiệm cả hệ thống chính trị từ T.Ư tới địa phương… Các TCTD cần tuân thủ pháp luật, đảm bảo các tỷ lệ an toàn, tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình với Nhà nước, DN và cộng đồng…

Phó Thủ tướng cũng kiến nghị Quốc hội, chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao sớm có văn bản chỉ đạo các tòa án địa phương thực hiện thủ tục rút gọn khi xử lý vụ án liên quan đến nợ xấu, xử lý điểm một số vụ án để nhân rộng triển khai trong toàn ngành; chỉ đạo KTNN tập trung kiểm toán chuyên đề xử lý nợ xấu giúp Chính phủ kiểm soát tốt từ bên ngoài, cảnh báo sớm rủi ro.

Đ.KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 42 ra ngày 17-10-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201