Thứ Sáu, 26/4/2024 - 06:00:10 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tín dụng

THỨ BẢY, 29/10/2022 22:31:11 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, vừa diễn ra chiều nay (29/10), tại Hà Nội.

 

Quang cảnh Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG


Kinh tế tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh

Thông tin tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, về kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế nước ta tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng, nổi bật là:

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Các cân đối lớn được bảo đảm: Thu NSNN 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó có trên 6 triệu tấn gạo; an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so với cùng kỳ và 10 tháng tăng 9%; 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 10 tháng tăng. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 18,8 lần so cùng kỳ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178.500, tăng 38,3% so với cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả, trong đó đã thực hiện tốt công tác phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Trong đó nổi lên là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; sức ép về lạm phát, điều hành tỷ giá; hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ chưa thật hiệu quả.

Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm…
 

Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG


Tăng cường kiểm soát giá, xây dựng kịch bản điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu

Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine khoa học, kịp thời, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, nhưng phải linh hoạt và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tín dụng; hướng mạnh tín dụng vào sản xuất kinh doanh.

Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tăng cường quản lý, kiểm soát giá, xây dựng kịch bản điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống, nhất là các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm.

Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng cho xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước tăng trong dịp cuối năm. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động các nguồn, bình ổn giá cả thị trường, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, các công trình hạ tầng mang tính động lực cho phát triển. Bảo đảm chất lượng, tiến độ hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong năm 2022; kế hoạch đầu tư công năm 2023. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như: Việc điều chỉnh giờ học của học sinh; nguồn lực để tăng lương cơ sở từ 01/7/2023; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện; giải pháp hỗ trợ DN vay vốn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; vấn đề đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước; giải pháp để thị trường chứng khoán phát triển ổn định…/.

HỒNG NHUNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201