Thứ Năm, 28/3/2024 - 15:55:46 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư bao quát toàn diện về PPP

THỨ TƯ, 22/05/2019 15:00:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa phát đi công văn thông báo lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) từ nay đến trước ngày 27/5/2019 để Bộ kịp thời tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo Luật theo đúng yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội.

Bước tiến lớn để hoàn thiện hành lang pháp lý

Năm 2017, qua kiểm toán Chuyên đề quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), KTNN đã kiến nghị cần phải xem xét nâng hướng dẫn đầu tư theo hình thức PPP từ Nghị định thành Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý cao hơn, minh bạch hơn, ổn định hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Năm 2017, qua kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức PPP của Bộ GTVT, KTNN đã kiến nghị giảm trừ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán và xử lý khác với số tiền 139.203 triệu đồng. Đặc biệt, sau khi cập nhật lại doanh thu và chi phí, loại trừ một số chi phí không hợp lý và giảm chi phí đầu tư của các dự án, cũng như loại trừ một số chi phí trong phương án tài chính chưa có trong quy định, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng. KTNN chỉ rõ, ngoài những thiếu sót trong công tác theo dõi, quản lý nguồn vốn, cũng như tình hình quản lý, giám sát thực hiện các dự án, còn nhiều bất cập trong việc chấp hành chính sách pháp luật khi thực hiện các dự án PPP.
Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP có hiệu lực từ ngày 19/6/2018 thay thế cho Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Tiến thêm một bước mạnh mẽ, Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Trong Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP mà Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa gửi lên Chính phủ cũng nêu rõ, quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định (Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP), đồng thời do nhiều Luật khác nhau điều chỉnh như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Việc thay đổi quy định tại các Luật nêu trên hoặc các Nghị định dưới Luật đều có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tuân thủ hợp đồng dự án PPP. Trong bối cảnh này, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng vay mượn quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết.
 

Thực tiễn đòi hỏi cần thiết phải ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: Sưu tầm

Tờ trình đồng thời nhấn mạnh, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Hiện quy định về PPP tại Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá là có tính ổn định chưa cao, trong khi hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20- 30 năm. Bên cạnh đó, việc xây dựng khung pháp lý với hiệu lực cao hơn (cấp Luật) góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện dự án, khắc phục được các tồn tại, bất cập do khâu thực thi trong bối cảnh thiếu chế tài đối với hành vi vi phạm.

Hơn nữa, khung pháp lý hiện hành còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công.

Luật sẽ bao quát toàn diện về PPP

Đến thời điểm này, Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 12 Chương với 117 Điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành đã áp dụng hiệu quả, ổn định, bao gồm: lĩnh vực đầu tư, trình tự thực hiện dự án PPP, các loại hợp đồng PPP, luật áp dụng. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã nâng cấp, bổ sung một số nội dung mới về: quy mô dự án áp dụng PPP, phân loại dự án PPP, hội đồng thẩm định dự án PPP, quy trình lựa chọn nhà đầu tư (hiện đang được quy định chi tiết tại Luật đấu thầu và Nghị định hướng dẫn), nguyên tắc áp dụng loại hợp đồng PPP đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, hoạt động của doanh nghiệp dự án, quyết toán công trình dự án PPP và cơ chế giám sát đối với các dự án PPP.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định hiện nay, phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP vẫn chủ yếu được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công. Phần vốn đầu tư công trong dự án PPP cần phải được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy trình, thủ tục của pháp luật về đầu tư công. Điều này dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong công tác bố trí vốn bởi phần vốn đầu tư công trong dự án PPP thay đổi theo từng phương án tài chính, phân chia rủi ro và chỉ được xác định chính xác sau khi đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, nếu thực hiện theo cơ chế hiện hành sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút các nhà đầu tư do chưa thấy được sự đảm bảo từ phía Chính phủ.
 

Tình hình thu hút đầu tư các dự án PPP tính đến đầu năm 2019

Do đó, cần thiết phải thiết kế tại Luật PPP một quy trình riêng về việc tổng hợp, cân đối, bố trí phần vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP. Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ 2 phương án: hình thành Quỹ phát triển dự án PPP với các chức năng bố trí vốn Nhà nước và cấp bảo lãnh, hoặc hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (tương tự dòng riêng cho Ngân hàng Chính sách xã hội). Mỗi phương án đều có những ưu điểm riêng nhưng vẫn đang còn một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi khi lập Quỹ, hoặc tính thiếu linh hoạt của việc vận hành dòng ngân sách riêng.

Dự thảo Luật cũng đề cập đến cơ chế bảo lãnh Chính phủ - một trong các nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đối với sự chuyển biến trong chính sách PPP của Việt Nam.

Về việc áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), kinh nghiệm quốc tế cho thấy rất ít quốc gia triển khai loại hợp đồng này, đặc biệt không có quốc gia nào thanh toán dự án BT hoàn toàn bằng quỹ đất hoặc tài sản công. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều có hình thức khai thác nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng. Do đó, Bộ KH&ĐT đề xuất 3 phương án: dừng triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT; hoặc hoàn thiện cơ chế “ngang giá”; hoặc sửa đổi toàn diện phương thức đầu tư BT. 
Theo Báo cáo của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến đầu năm 2019, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 08 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác). Thông qua mô hình PPP, cả nước đã huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư tư nhân để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng. Trong thời gian đầu triển khai còn có các hạn chế nhưng các công trình, dịch vụ có được từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải…
 
HỒNG THOAN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201