Thứ Sáu, 26/4/2024 - 01:00:32 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cho phù hợp với thực tiễn

THỨ NĂM, 21/02/2019 22:00:00 | KINH DOANH
(BKTO)- Tại “Hội thảo lấy ý kiến DN Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật DN” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20/2, TS.Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI đã có những phân tích, đánh giá, bình luận về những tiến bộ của hai đạo luật, đồng thời đưa ra những đề xuất, góp ý thẳng thắn đối với việc sửa đổi hai văn bản này.

Đông đảo đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tham dự Hội thảo

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Luật Đầu tư và Luật DN (DN) là hai đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng DN và sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.

Luật DN, Luật Đầu tư 2014 đã mạnh mẽ trong việc thể chế Hiến pháp 2013 bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân. Tư tưởng quan trọng này đã góp phần không nhỏ tạo nên thuận lợi đối với môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.

Trong đó, lần đầu tiên, Luật DN đã bãi bỏ quy định Giấy chứng nhận đăng ký DN phải ghi các ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Các DN sẽ được kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Các thủ tục thành lập DN đơn giản hơn và thể hiện cách hiểu tiến bộ, việc thành lập DN không phải là xin phép mà là đăng ký. Nhà nước ở đây chỉ là một “người thư ký” ghi nhận sự khai sinh của DN!

Lần đầu tiên, Luật DN đã bỏ nhiều ràng buộc về con dấu- để DN có thể tự chủ, tự quyết định; người đại diện của DN cũng được mở rộng, không chỉ giới hạn tối thiểu là một người trước đây; bổ sung về DN xã hội để có những chế định thúc đẩy, khuyến khích và hỗ trợ loại DN này phát triển… Đây là những thay đổi có tính bước ngoặt, giải quyết rất nhiều vấn đề bất cập trên thực tiễn và chú trọng hơn nữa về quyền tự do trong kinh doanh của DN.

TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, Luật Đầu tư đưa ra nguyên tắc khi xác định ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; điều kiện kinh doanh, trong đó nhấn mạnh đến việc cấm kinh doanh một số ít ngành nghề hay đặt ra điều kiện kinh doanh cho một số ngành nghề cụ thể chỉ vì bảo đảm các trật tự công (như vì an ninh quốc gia, lợi ích quốc phòng, lợi ích công cộng…) và phải quy định ở cấp Nghị định trở lên, còn lại người dân được quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề còn lại, không ai được xâm phạm quyền quan trọng này.

Cũng lần đầu tiên trong lịch sử về pháp luật kinh doanh tại Việt Nam, có một Danh mục 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành. Đây là một trong những bước tiến lớn thể hiện sự minh bạch trong chính sách, là biện pháp kiểm soát việc ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, điều mà một thời gian dài trước đây chưa từng làm được - TS.Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, Luật Đầu tư đã có những thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư theo hướng cởi mở, tích cực hơn, đặc biệt đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài có vốn sở hữu dưới 50%… Đây là bước đà tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư bắt đầu thực hiện các dự án đầu tư.
 

TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đưa ra những đánh giá, bình luận về hai đạo luật tại Hội thảo 

“Luật DN, Luật Đầu tư 2014 không chỉ tạo ra đột phá trong lĩnh vực đầu tư, thành lập DN mà còn là các văn bản tạo “cảm hứng” cho các văn bản chuyên ngành về kinh doanh khác. Từ đây Chính phủ đã có những chương trình cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính…” - Chủ tịch VCCI bình luận.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải giải quyết và nhiều quy định cần phải sửa đổi từ hai đạo luật này.

Ông Vũ Tiến Lộc lấy ví dụ: Thủ tục đăng ký DN vẫn còn một số vướng mắc, gây khó khăn cho DN, như: việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh, thời gian để hoàn thành việc đăng ký DN trên thực tế với quy định của Luật vẫn còn vênh nhau; hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết… Đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động nhưng không được xem là DN, trong khi họ chính là các DN tư nhân đích thực nhất?

Giải pháp cần làm trong Luật DN sửa đổi lần này một mặt là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm DN chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới, mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật DN, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật DN như hiện nay - Chủ tịch VCCI đề xuất.

Về Luật đầu tư, mặc dù đã xác định mục tiêu kiểm soát về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tuy nhiên trên thực tế, việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh vẫn ngoài tầm kiểm soát hay chất lượng các điều kiện kinh doanh ở các văn bản pháp luật khác vẫn còn rất nhiều vấn đề. Mỗi khi có đợt rà soát lớn nào, như năm 2018 vừa qua với sức ép mạnh mẽ từ cộng đồng kinh doanh, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ thì đã các bộ, ngành đều hoàn thành mục tiêu đơn giản hoá và ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện có như Chính phủ giao. Tuy nhiên, vẫn còn nguyên đó câu hỏi về tính bền vững của việc cắt giảm này, cách thức kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh mới. TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Đây là vấn đề mà Luật đầu tư cần giải quyết, để tránh tình trạng cải cách điều kiện kinh doanh hiện nay như “đá ném ao bèo”!

Cho rằng thủ tục đầu tư đã có nhiều tiến bộ, cởi mở, tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, vẫn còn sự chồng chéo giữa các văn bản có liên quan với nhau, chẳng hạn thời điểm nào đánh giá tác động môi trường; thủ tục đầu tư của Luật đầu tư có phải được áp dụng thống nhất không, các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có được quyền yêu cầu thêm các loại giấy tờ khác trong hồ sơ không? Rồi những vấn đề liên quan đến đấu giá đất, đấu thầu đất của các dự án đầu tư có yêu cầu nhà nước giao đất; mối quan hệ giữa Luật Đầu tư với các luật chuyên ngành khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…) cần được bàn đến và phải được giải quyết trong Luật này.

PHÚC KHANG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201