Thứ Sáu, 19/4/2024 - 12:18:18 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

KTNN Nepal: Tích cực đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững

THỨ HAI, 05/11/2018 08:20:00 | KIỂM TOÁN QUỐC TẾ
(BKTO) - KTNN Nepal là một trong số các cơ quan kiểm toán tối cao đã xây dựng hướng dẫn kiểm toán môi trường phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán của Các cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAI) 5400. Hằng năm, song song với các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động, KTNN Nepal đã lựa chọn một số chủ đề để kiểm toán môi trường, từ đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Đẩy mạnh kiểm toán môi trường

Năm 2015, KTNN Nepal đã thực hiện kiểm toán công tác quản lý, xử lý chất thải rắn của TP. Kathmandu (KMC) và phát hiện nhiều bất cập trong công tác phân loại, xử lý rác thải. Các báo cáo kiểm toán nêu rõ 3 mục tiêu: giảm lượng chất thải, tăng cường công tác tái chế, tái sử dụng rác thải không được chú trọng và chưa đạt được hiệu quả đáng kể; vai trò của các tổ chức tư nhân trong công tác quản lý, xử lý chất thải rắn không được chú trọng; các con đường dẫn đến những khu tập kết rác thải không thuận lợi đã ảnh hưởng lớn đến công tác thu gom chất thải. 

KTNN Nepal chỉ trích công tác quản lý bãi rác thải Sisdol của KMC rất lỏng lẻo, không đảm bảo các yêu cầu xử lý rác thải thân thiện với môi trường, trong khi đó, tiến độ xây dựng bãi xử lý rác thải mới rất chậm trễ. Việc giám sát, quản lý hoạt động xử lý chất thải rắn không hiệu quả và tùy tiện đem lại nhiều rủi ro cho con người và môi trường, điều này cũng làm tăng chi phí xử lý chất thải tại KMC.

Trước thực trạng trên, KTNN Nepal khuyến nghị các Bộ, ban, ngành liên quan cần nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Môi trường; chú trọng đào tạo nguồn lực, tăng cường vai trò giám sát; nâng cao nhận thức của công chúng cũng như củng cố cơ sở hạ tầng để đảm bảo thực hiện tốt 3 mục tiêu trên. KTNN Nepal cũng khuyến nghị khẩn trương xây dựng nhà máy tái chế và tái sử dụng chất thải có thể kết hợp với các tổ chức tư nhân. 

Đối với bãi rác Sisdol, KTNN Nepal khuyến nghị cần cải thiện đường giao thông và chú trọng hơn đến các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Cuộc kiểm toán trên đã góp phần cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn của KMC và góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố. Điển hình là Mục tiêu 11: Xây dựng Thành phố an toàn, phát triển bền vững và cuộc sống của người dân được quan tâm, Mục tiêu 12: Đảm bảo xu hướng tiêu dùng và sản xuất bền vững thông qua việc giảm lượng chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế và giảm tác động tiêu cực của chất thải rắn.

Năm 2016-2017, KTNN Nepal tiếp tục thực hiện kiểm toán môi trường về vấn đề ô nhiễm không khí tại KMC. Trước tình trạng ô nhiễm không khí đo được tại đây cao hơn nhiều so với các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra, KTNN Nepal đã đề xuất sử dụng công nghệ xây dựng thân thiện với môi trường, kiểm soát số lượng phương tiện giao thông vì các phương tiện đang chạy quá khả năng tải của đường. Đặc biệt, cần cấm các phương tiện quá cũ lưu thông và cấm sử dụng túi nilon trong Thành phố để kiểm soát ô nhiễm không khí ở KMC. Nếu những đề xuất này được thực hiện sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể là Mục tiêu 11, Mục tiêu 13: Chống lại biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và Mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống lành mạnh và cải thiện cuộc sống con người.

Năm 2018, trong quá trình kiểm toán việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, KTNN Nepal đã phát hiện 86 ha đất của Hồ Fewa và 1.211 ha đất Vườn Quốc gia Chitwan bị xâm lấn. KTNN Nepal đã đề nghị những người có trách nhiệm quản lý bảo vệ Hồ và Vườn phải có những biện pháp xử lý phù hợp. Cuộc kiểm toán môi trường đã đóng góp vào Mục tiêu 15: Thúc đẩy sử dụng bền vững hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học. 

Thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tính minh bạch 

Văn phòng KTNN Nepal rất quan ngại về những tác động đối với môi trường, do đó, thường xuyên theo dõi sát sao những thay đổi và tiến hành đánh giá mức độ nghiêm trọng, đồng thời, vạch ra các kế hoạch, biện pháp xử lý phù hợp. Trong năm 2018, KTNN Nepal đã lựa chọn tổng cộng 33 chủ đề để kiểm toán, tất cả đều đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững. 

Là một phần của Chương trình Phát triển năng lực của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á, KTNN Nepal đã kiểm toán công tác chuẩn bị thực hiện các SDG và đưa ra những đánh giá cụ thể, trong đó khuyến nghị Ủy ban Quy hoạch tiếp tục hợp tác với các bên liên quan và cụ thể hóa SDG; việc đánh giá năng lực tài chính để đạt được SDG cũng rất cần thiết; các ủy ban, nhóm chuyên đề được yêu cầu phối hợp, chủ động tạo ra môi trường thuận lợi cũng như đề ra các chính sách, hướng dẫn theo từng cấp chính quyền. KTNN Nepal khẳng định, nếu những đề xuất này được triển khai hiệu quả thì SDG sẽ đạt được nhanh chóng.

Với những thông tin, dữ liệu về SDG đang quản lý, KTNN Nepal nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc thực hiện SDG. KTNN Nepal đã thành lập một ủy ban dưới sự lãnh đạo của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, thường xuyên phối hợp với các cơ quan của Chính phủ đưa ra các biện pháp hiệu quả giúp thực hiện thành công SDG. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm toán hoạt động và các cuộc kiểm toán khác, ủy ban này cũng sẽ tiến hành đánh giá các vấn đề trung gian có ảnh hưởng đến việc thực hiện SDG, song song với việc đào tạo, nâng cao nhận thức của nhân viên.

Để thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, KTNN Nepal đã thành lập một ủy ban tư vấn, thường đề xuất với Tổng Kiểm toán các kế hoạch phục vụ hoạt động kiểm toán thường niên. KTNN Nepal cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân hợp tác tích cực với các kiểm toán viên, cung cấp thông tin phản hồi, khiếu nại… KTNN Nepal cũng định kỳ tiến hành khảo sát các bên liên quan nhằm cải thiện hoạt động của Cơ quan.

Văn phòng KTNN cũng thành lập một ủy ban cấp cao dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán để giám sát hoạt động của các kiểm toán viên giúp đạt được Mục tiêu 16: Các tổ chức công bằng, hòa bình và mạnh mẽ bằng cách phát triển các tổ kiểm toán tối cao hiệu quả, có trách nhiệm và minh bạch.

Để cải thiện nền tài chính, hành chính công, KTNN Nepal đã có nhiều đóng góp lớn, cụ thể là việc tổ chức các cuộc kiểm toán các lĩnh vực cần thiết nhất như các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng công cộng, giao thông, đô thị hóa, nguồn nước, vệ sinh môi trường, năng lượng, nông nghiệp, thủy lợi; các vấn đề về chính sách thuế, các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục… Kết quả và ảnh hưởng từ các cuộc kiểm toán này góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm các cơ quan chính phủ trong việc cải thiện công tác quản lý tài chính công, giúp cải thiện cuộc sống của người dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

THANH XUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 01-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

(BKTO) - Bộ Nội vụ, Nhập cư, An toàn và An ninh (MHISS) Namibia vừa qua đã phải thực hiện công tác thu hồi hơn 2,3 triệu đô-la Namibia (khoảng 130 nghìn USD) do nhiều khoản chi bị thanh toán trùng lặp cho các nhà cung cấp dịch vụ cho Chính phủ nước này.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201