Thứ Sáu, 29/3/2024 - 15:30:40 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Estonia: Cần sớm có phương án nâng cấp các hệ thống cải tạo đất

THỨ SÁU, 10/07/2020 15:05:00 | KIỂM TOÁN QUỐC TẾ
(BKTO) - Vừa qua, Văn phòng Kiểm toán quốc gia Estonia đã công bố một báo cáo trong đó nhấn mạnh, nhiều hệ thống cải tạo đất của Estonia đã sắp hết thời hạn hoạt động. Quốc gia này cần khẩn trương đưa ra phương án nâng cấp các hệ thống nhằm nâng cao năng suất, song song với việc chú trọng giảm tác động tiêu cực tới môi trường.


Cần nâng cấp hệ thống cải tạo đất để tăng năng suất. Ảnh: ST

Các hệ thống cải tạo đất đã lạc hậu

Trong Báo cáo kiểm toán có tên “Tính bền vững của các biện pháp nâng cấp hệ thống cải tạo đất”, Văn phòng Kiểm toán chỉ ra rằng, với mức độ đầu tư vào các hệ thống cải tạo đất hạn chế và tốc độ nâng cấp, sửa chữa các hệ thống chậm như hiện nay, Estonia sẽ phải mất gần 100 năm để sửa chữa, nâng cấp tất cả các hệ thống cải tạo đất hiện có. 

Hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp của Estonia được trang bị hệ thống cải tạo đất, do đó, Chính phủ sẽ phải đưa ra quyết định càng sớm càng tốt về việc có nên tăng kinh phí đầu tư vào các hệ thống cải tạo đất hay không; hoặc có nên loại bỏ các hệ thống đã quá cũ kỹ, lạc hậu và thay thế bằng các hệ thống mới không. 

Theo Hội đồng Nông nghiệp quốc gia, nhiều năm qua, công tác sửa chữa, bảo trì và đổi mới các hệ thống cải tạo đất vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tuổi thọ trung bình của một hệ thống cải tạo đất từ 30 - 50 năm, trong khi trên 83% hệ thống cải tạo đất của Estonia hiện đã hoạt động hơn 30 năm. Với tình hình hiện tại, có thể phải mất từ 70 - 100 năm để sửa chữa, thay thế các hệ thống cải tạo đất. Đây thực sự là bài toán khó đối với Chính phủ nước này.

Văn phòng Kiểm toán cho biết, việc cải tạo hoặc đổi mới tất cả các hệ thống cải tạo đất vào thời điểm hiện nay có lẽ không thực tế vì nó đòi hỏi một số tiền khổng lồ, Chính phủ khó có thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, một số vùng đất có giá trị kinh tế khá thấp nếu đầu tư vào sẽ gây lãng phí ngân sách quốc gia.

Những khuyến nghị cần thiết

Văn phòng Kiểm toán cho rằng, cần sửa đổi cơ chế phân bổ kinh phí hỗ trợ nông nghiệp hiện tại, trong đó, công tác cải tạo đất nên được tăng mức kinh phí hỗ trợ; cần chú trọng vào tăng năng suất của đất đai, phấn đấu đạt mức cao nhất và giảm tối đa thiệt hại, ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường.

Bên cạnh đó, Báo cáo kiểm toán nhấn mạnh, Chính phủ cần có kế hoạch thành lập các hiệp hội cải tạo đất nhằm tạo động lực để khuyến khích các cá nhân, DN, tổ chức khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động này, giúp làm giảm bớt gánh nặng về kinh phí cho Nhà nước. Thực tế đã có một số hội được thành lập và được giao quản lý các hệ thống cải tạo đất, tuy nhiên, số người tham gia vào các hội này đang giảm dần tới gần một nửa, khiến cho kế hoạch trên bị ảnh hưởng.

Văn phòng Kiểm toán cũng khuyến nghị Hội đồng Nông nghiệp quốc gia cần sát sao hơn trong hoạt động giám sát công tác quản lý, cải tạo đất, đặc biệt khi các hệ thống được hỗ trợ kinh phí cải tạo. Đồng thời, cần tiến hành phân tích, đánh giá các loại đất và giá trị kinh tế chúng mang lại để làm cơ sở tiến hành phân bổ ngân sách nâng cấp hệ thống cải tạo đất, nên chú trọng, ưu tiên cho những loại đất mang lại giá trị canh tác cao hơn.

Đặc biệt, Văn phòng Kiểm toán khuyến nghị Hội đồng Nông nghiệp quốc gia và Ủy ban Môi trường cần tích cực hơn nữa trong nhiệm vụ nghiên cứu các tác động tới môi trường, cần giảm thiểu tối đa những tác động xấu lên môi trường sống, nếu không nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
 
Estonia có hệ thống cải tạo đất tại 1,3 triệu ha đất, trong đó có 0,6 triệu ha đất nông nghiệp và 0,7 triệu ha đất lâm nghiệp. Phần lớn các hệ thống cải tạo đất được xây dựng vào năm 1960-1980 và thời gian đã hoạt động ước tính từ 30 - 50 năm. Công tác hỗ trợ đổi mới và nâng cấp hệ thống cải tạo đất được đưa ra trong Kế hoạch phát triển nông thôn Estonia giai đoạn 2014-2020. Từ năm 2007-2019, hệ thống cải tạo đất tại 83.000 ha đất đã được sửa chữa và nâng cấp.
 
THANH XUYÊN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

Namibia: Giám sát lỏng lẻo dẫn đến nhiều khoản thanh toán trùng lặp

(BKTO) - Bộ Nội vụ, Nhập cư, An toàn và An ninh (MHISS) Namibia vừa qua đã phải thực hiện công tác thu hồi hơn 2,3 triệu đô-la Namibia (khoảng 130 nghìn USD) do nhiều khoản chi bị thanh toán trùng lặp cho các nhà cung cấp dịch vụ cho Chính phủ nước này.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201