(BKTO) - Chiều 22/9, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (Dự án Pháp lệnh), dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn.
|
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN
|
Tham dự Hội thảo còn có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự án Pháp lệnh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN có trụ sở tại Hà Nội; cùng các thành viên thuộc bộ phận thường trực, giúp việc Ban Chỉ đạo.
Theo KTNN, trải qua gần 30 năm hoạt động, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp, Luật KTNN, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, hệ thống chuẩn mực KTNN, đến các quy trình, quy chế chuyên môn, nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù, nhưng đến nay chưa có đầy đủ quy định về cơ chế bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, thiếu chế tài cụ thể nên chưa xử lý các vi phạm như: hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN; báo cáo sai lệch, không chính xác, không đầy đủ thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của KTNN; không chấp hành quyết định kiểm toán; không lập và gửi đầy đủ, kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư, kế hoạch thu, chi, báo cáo tình hình chấp hành và quyết toán ngân sách cho KTNN theo yêu cầu; không ký biên bản kiểm toán; không báo cáo hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán...
Mặt khác, do chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN ở cấp độ hành chính nên từ khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành, chưa có cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm này.
Trong trường hợp xảy ra vi phạm trong hoạt động kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước chỉ có thể sử dụng những phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ nhằm khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, tính nghiêm minh của Luật KTNN.
Do đó, từ cơ sở pháp lý, thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN và việc tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI); để bảo đảm tính khả thi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, KTNN cho rằng việc ban hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đồng thời có tác dụng giáo dục pháp luật, duy trì trật tự, giữ gìn kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.
Trình bày về Dự thảo Pháp lệnh, ông Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN - cho biết, Pháp lệnh dự kiến gồm 5 chương, 19 điều.
|
Ông Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN trình bày Dự thảo Pháp lệnh. Ảnh: D.THIỆN
|
Theo đó, dự kiến Pháp lệnh sẽ điều chỉnh các vấn đề như: quy định các hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; hình thức xử phạt, mức xử phạt; nguyên tắc xử phạt; thẩm quyền lập biên bản xử phạt; thủ tục và thẩm quyền xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN...
Cũng theo ông Hải, Dự án Pháp lệnh sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 17 (tháng 11/2022) và thông qua tại Phiên họp thứ 18 (tháng 12/2022).
|
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu định hướng một số nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN
|
Tại Hội thảo, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự án Pháp lệnh, đại diện các đơn vị trực thuộc đã trao đổi, thảo luận làm rõ hơn một số nội dung quy định trong Dự thảo Pháp lệnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn - nhấn mạnh, việc xây dựng Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.
|
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn phát biểu chỉ đạo. Ảnh: D.THIỆN
|
Đánh giá cao các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nỗ lực xây dựng Dự thảo Pháp lệnh, tuy nhiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách cũng cho rằng Dự thảo Pháp lệnh vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm.
Do đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn đề nghị, sau Hội thảo, các đơn vị trực thuộc tiếp tục có các ý kiến tham gia góp ý bằng văn bản đối với Dự thảo Pháp lệnh, để Ban soạn thảo, Tổ biên tập xem xét, cân nhắc điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh./.
DIỆU THIỆN