Thứ Sáu, 26/4/2024 - 21:47:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập

THỨ BA, 19/03/2019 22:55:00 | GIÁO DỤC
(BKTO) - Tại Hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập- Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, do KTNN tổ chức sáng 19/3, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ bức tranh, nhận diện những hạn chế, bất cập trong cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập cũng như vai trò của KTNN trong kiểm toán, đánh giá và kiến nghị hoàn thiện chính sách tự chủ đối với các trường đại học công lập.

Thành viên chủ trì Hội thảo điều hành thảo luận

Theo TS. Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Vấn đề tự chủ đại học hiện nay chủ yếu được tiếp cận từ góc độ tài chính mà chưa chú trọng đúng mức tới việc thực hiện các nội dung khác trong tự chủ như về tổ chức, nhân sự và học thuật. Chính vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian qua chủ yếu mới dựa vào căn cứ là mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động để phân loại và giao mức độ tự chủ cho các trường chứ chưa xây dựng được căn cứ, nguyên tắc chung để giao quyền tự chủ cũng như giao tự chủ ở mức độ khác nhau phù hợp với năng lực của từng đơn vị liên quan đến công tác tổ chức, nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng như các điều kiện cần thiết khác.
 

TS. Phạm Tất Thắng phát biểu tại Hội thảo

Cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ sở giáo dục đại học công lập còn mang tính bình quân, chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra. Việc cấp kinh phí hiện nay chủ yếu căn cứ vào: quy mô, số lượng sinh viên đầu vào; số lượng giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên; số ngành nghề đào tạo; dữ liệu về phân bổ ngân sách của năm trước; mức phân bổ cơ bản bình quân giữa các ngành đào tạo.

Cách phân bổ này một mặt khiến cho các trường chỉ tập trung vào việc tăng quy mô, số lượng đầu vào mà chưa chú trọng tới việc nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo; không quan tâm tới đào tạo các ngành học khó, các ngành khoa học cơ bản với chi phí đào tạo cao. Mặt khác, cơ chế này cũng sẽ khiến cho việc đầu tư ngân sách bị dàn trải và không phát huy được tính cạnh tranh giữa các trường…

TS. Lê Đình Thăng- Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III nêu thực tế: Các trường đại học công lập tuy đã được giao tự chủ song trên thực tế hoạt động vẫn đang tuân thủ và là đối tượng điều chỉnh của nhiều Luật như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Viên chức và các luật về Thuế, tài chính, các Nghị định của Chính phủ… Vì vậy, các trường đại học công lập cho rằng cơ sở pháp lý về tự chủ đại học là chưa vững chắc, thiếu đồng bộ, hệ thống pháp luật vẫn có những quy định chưa phù hợp với quá trình vận hành nên quá trình tự chủ nhiều lúc vẫn mang tính hình thức. Các văn bản quy phạm liên quan hầu như không có các điều kiện cụ thể hóa được các nội dung tự chủ đại học, đặc biệt là chưa quy định được điều kiện để giao quyền tự chủ (việc giao quyền tự chủ cho các trường chỉ dựa vào đề án của trường, không có quy định chung về tiêu chí tự chủ).

Từ thực tế trên, TS. Thăng đề xuất: Cần hoàn thiện cơ chế chính sách để hạn chế những vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Đồng thời, cần nghiên cứu thay việc hỗ trợ NSNN theo mức độ tự chủ của các trường đại học công lập sang việc ban hành danh mục các đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong sử dụng dịch vụ công, từ đó thay đổi cách hỗ trợ của Nhà nước thông qua sản phẩm dịch vụ công sang việc hỗ trợ cho đối tượng sử dụng dịch vụ công.
 

TS. Lê Đình Thăng phát biểu tại Hội thảo

Trong khi đó, TS. Trần Tú Khánh- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Trong tự chủ đại học thì tự chủ về tài chính đóng vai trò nền tảng để thực hiện hiệu quả và bền vững các nội dung tự chủ khác. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường đại học chưa sẵn sàng để tự chủ tài chính, còn có tư tưởng trông chờ vào “bầu sữa ngân sách” của Nhà nước. Điều này dẫn đến sự thụ động, thiếu linh hoạt và ít dám chịu trách nhiệm của các nhà quản lý trong quản lý nhà trường nói chung và quản lý tài chính nói riêng. Bên cạnh đó, việc thực hiện tự chủ của các trường chưa gắn với trách nhiệm giải trình, vì vậy, khi các trường mở ngành, xác định và thực hiện chỉ tiêu, liên kết đào tạo trong và ngoài nước, tuyển dụng đội ngũ giảng viên ngoài độ tuổi lao động… chưa báo cáo đầy đủ, kịp thời tới cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý ngành….

Vì vậy, ông Khánh kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập để các trường thực hiện. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các Bộ, ngành như KTNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện tự chủ đại học thông qua cơ chế, chính sách và trong công tác thanh tra, kiểm toán.
 

TS. Trần Tú Khánh phát biểu tại Hội thảo

Từ những bất cập trong vấn đề cấp NSNN cho Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS,TS. Phạm Xuân Hoan- Trưởng ban Kế hoạch- Tài chính (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị: Đối với việc duyệt phương án phân bổ NSNN hàng năm, Nhà nước chỉ kiểm soát trên một số tiêu chí cứng như tổng kinh phí phân bổ phải không vượt quá NSNN được giao; việc phân bổ phải thỏa mãn những quy định ghi trong hướng dẫn của Bộ Tài chính; các vấn đề còn lại có thể giao thủ trưởng đơn vị tự chịu trách nhiệm. Đối với các tiêu chuẩn, định mức, Nhà nước chỉ nên quy định các tiêu chuẩn, định mức thiết yếu nhất, tạo điều kiện cho các đơn vị linh hoạt áp dụng phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị.
 

PGS,TS. Phạm Xuân Hoan

Theo TS. Vũ Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức- Biên chế (Bộ nội vụ): Việc xác định trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế hay nhân sự dựa theo tiêu chí tự chủ về tài chính với biên độ rộng (từ 10% đến dưới 100%) là một vấn đề khó khăn, gây không ít vướng mắc cho cả cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong quá trình xây dựng Đề án, thẩm định về phê duyệt Đề án tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng hoạt động sự nghiệp của đơn vị khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn nhiều lúng túng, chưa có hệ thống đánh giá kết quả hoạt động phù hợp. Do đó, để hoàn thiện mô hình cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập trong thời gian tới.
 

TS. Vũ Hải Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của KTNN trong việc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị tại các trường; đồng thời mong muốn thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN sẽ có những đánh giá khách quan, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó có những kiến nghị nhằm tháo gỡ bất cập về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thông thoáng cho việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập.
 

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên phát biểu bế mạc Hội thảo

Bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến đóng góp chất lượng của các đại biểu đã góp phần vào thành công của Hội thảo. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được KTNN tiếp thu tối đa để có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, nhằm đáp ứng tốt hơn kỳ vọng và niềm tin, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

HỒNG- LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201