Thứ Năm, 02/5/2024 - 04:25:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tự chủ đại học: Gặp khó về nguồn thu, nhiều trường mong chờ cơ chế mới

THỨ BA, 11/09/2018 15:20:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập. Quá trình thực hiện tự chủ cho thấy, bên cạnh việc đảm bảo chi thường xuyên, tăng thu nhập bình quân của người lao động, các cơ sở giáo dục đại học vẫn gặp vướng mắc về nguồn thu.

Cơ chế phân bổ ngân sách bình quân, chưa được vay vốn ưu đãi

Đến nay, tổng nguồn thu của các trường nói trên có xu hướng tăng lên, dù cơ cấu nguồn thu chưa có sự thay đổi nhiều giữa giai đoạn trước và sau khi thực hiện tự chủ. Mặc dù vậy, các trường vẫn gặp một số vướng mắc về nguồn thu. Cụ thể, nguồn hỗ trợ từ NSNN còn hạn chế, cơ chế phân bổ NSNN vẫn mang tính bình quân, chưa gắn với các tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra. Thu sự nghiệp (chủ yếu là thu từ học phí và lệ phí) vẫn chiếm tỷ trọng trên 70% và còn phụ thuộc nhiều vào quy mô đào tạo cũng như mức tăng học phí. Các trường vẫn đang bị hạn chế về chỉ tiêu đào tạo, mức thu học phí và không được thu khoản lệ phí nào ngoài lệ phí tuyển sinh. Việc các khoản thu từ liên kết đào tạo, đào tạo bằng 2, đào tạo vừa học vừa làm... giảm mạnh trong vài năm gần đây đã ảnh hưởng lớn tới các nguồn thu của nhà trường. Các nguồn thu khác từ dịch vụ, khoa học, tài trợ… còn thấp, chỉ chiếm khoảng 3% tổng nguồn thu và có xu hướng giảm. Việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác vẫn còn hạn chế. Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các trường này được vay vốn ưu đãi hoặc được hỗ trợ lãi suất để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học…

Điều đáng nói là tại các trường đại học này, trong khi nguồn thu còn nhiều khó khăn thì chi lại có xu hướng gia tăng. Chi sự nghiệp tăng từ 70,6% giai đoạn trước tự chủ (2013-2014) lên 72,4% giai đoạn sau tự chủ (2015-2016), tập trung chủ yếu vào chi cho con người, chi học bổng, chi nghiệp vụ chuyên môn, chi mua sắm. Nguồn chi từ NSNN cấp vẫn ưu tiên cho các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản và chi thường xuyên.

Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính), về nguyên tắc, những cơ sở giáo dục đại học này được tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Thế nhưng, trên thực tế, các trường vẫn phải thực hiện theo quy định chung đối với các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ. Nguyên nhân là do chưa có văn bản hướng dẫn về thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ…

Giảm dần chi ngân sách, đổi mới chính sách tín dụng cho trường đại học

Từ thực trạng trên, Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng, cơ quan quản lý cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính; xây dựng và ban hành kịp thời hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đối với bậc giáo dục đại học làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế tính giá dịch vụ đào tạo và ban hành cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, đổi mới cơ cấu đầu tư từ NSNN đối với giáo dục đại học theo hướng giảm dần chi ngân sách cho bộ máy và hoạt động thường xuyên, tập trung cho đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ sinh viên diện chính sách và sinh viên theo đặt hàng đào tạo ở một số chuyên ngành. Đồng thời, đổi mi phương pháp phân bổ ngân sách theo hướng giao kinh phí gắn với nhiệm vụ, sản phẩm và trách nhiệm giải trình của đơn vị; xây dựng cơ chế cho phép cơ sở đào tạo được quyết định mức thu học phí, được huy động các nguồn lực thông qua việc vay tín dụng trong và ngoài nước để bổ sung nguồn vốn cho phát triển giáo dục, đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất...

TS. Lê Thị Minh Ngọc (Học viện Ngân hàng) đề xuất, cơ quan quản lý cho phép nhiều định mức cho vay tương ứng với từng loại sinh viên thay vì một định mức như hiện nay; có thể áp dụng hình thức trả nợ theo mô hình tín dụng tùy theo thu nhập và chỉ bắt đầu trả nợ khi sinh viên tốt nghiệp đi làm có mức lương trên ngưỡng tối thiểu. Nhà nước có thể vận động các tổ chức cùng tham gia Quỹ Hỗ trợ sinh viên, đồng thời cần coi Quỹ Tín dụng sinh viên là một chính sách vĩ mô về đầu tư phát triển chứ không phải là một hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ các trường đại học nói trên được vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn ODA và vốn của Ngân hàng Thế giới, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển…

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 36 ra ngày 06-9-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201