Thứ Sáu, 19/4/2024 - 20:51:37 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tháo gỡ điểm “nghẽn” trong tự chủ đại học

THỨ HAI, 27/08/2018 09:45:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Xuyên suốt các buổi hội thảo xoay quanh việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học (GDĐH) hiện hành diễn ra gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp đổi mới GDĐH, trong đó, cốt lõi là vấn đề tự chủ ĐH phải phù hợp với điều kiện trong nước và có lộ trình nhưng không thể đi ngược với xu thế của thế giới.

Tự chủ là gốc rễ của đổi mới giáo dục đại học
 
Tại Hội thảo “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức mới đây, TS. Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban, cho rằng: Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới GDĐH để tăng tính hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. GDĐH là một khâu then chốt quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. “Mấu chốt của đổi mới GDĐH chính là vấn đề tự chủ ĐH. Tự chủ sẽ góp phần giúp GDĐH hội nhập và phát triển” - ông Bình nhấn mạnh. 
 
Tại Hội thảo, 3 vấn đề được gợi mở thảo luận đã phần nào cho thấy những bất cập nổi cộm trong câu chuyện tự chủ GDĐH bấy lâu nay, như: cơ chế, chính sách về tự chủ còn thiếu và chưa đồng bộ; việc giao quyền tự chủ đối với cơ sở GDĐH mới chỉ thực hiện thí điểm, chưa trở thành nhu cầu nội tại của các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính, chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo, tự chủ ĐH chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường… 
 
Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, quá trình thực hiện thí điểm tự chủ ĐH đã diễn ra khoảng chục năm nay, nhưng tự chủ đang được hiểu chưa đúng hết với nghĩa tự chủ của quốc tế. Theo Phó Thủ tướng, những bất cập trong đổi mới GDĐH hiện nay chủ yếu đến từ cơ chế, chính sách khi các trường phụ thuộc vào ngân sách và cơ quan quản lý. Chính điều này đã dẫn đến sự trì trệ, không có động lực đổi mới, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản của trường chưa muốn buông quyền của mình. “Bản thân tự chủ ĐH là phải tự chủ đến các đơn vị trong trường, đến từng giáo viên. Đây là vấn đề bắt buộc” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 
 
Các trường đại học cần được tự chủ về thu, chi
 
Một trong những nguyên nhân khiến quá trình tự chủ ĐH vẫn gặp nhiều khó khăn chính là cơ chế tài chính. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc, mức thu học phí năm học 2017-2018 của các cơ sở ĐH công lập chưa tự chủ là 8 triệu đồng; với mức thu này, các cơ sở không đủ nguồn lực để đầu tư, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Cũng theo ông Phúc, phần chi trả của người học thông qua học phí đang chiếm tới hơn 50% nguồn đầu tư cho giáo dục, trong khi người học ở nước ngoài chỉ phải đóng phần học phí rất thấp. Từ đó, ông Phúc đề xuất cần phải đổi mới cơ chế tài chính GDĐH như một giải pháp cho GDĐH Việt Nam. 
 
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận: Nguồn tài chính cho bậc đào tạo này còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa. Các cơ sở chưa chủ động về nguồn thu, chủ yếu dựa vào ngân sách và từ thu học phí; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học còn hạn chế. 
 
Đề cập sâu hơn đến vấn đề tự chủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải hiểu vấn đề này cho đúng. Trường ĐH có nhiều sứ mệnh, nhưng có một sứ mệnh là sáng tạo ra tri thức. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các trường không nên hiểu tự chủ có nghĩa là tăng học phí, làm giảm cơ hội tiếp cận ĐH của học sinh nghèo. Nhà nước vẫn tiếp tục chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục thông qua hình thức đơn đặt hàng đào tạo đối với các ngành nghề xã hội cần.

Điều quan trọng là các trường cần được giao quyền chủ động, bao gồm cả về tài chính. “Khi có tự chủ về nguồn thu, các trường được tự chủ về việc chi. Nhiều trường ĐH có tiền không phải từ NSNN mà tiền thu từ học phí và các nguồn khác nhưng muốn làm gì cũng đều phải xin phép” - Phó Thủ tướng nói và đề nghị Dự thảo Luật GDĐH cần phải làm rõ vấn đề này.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 23-8-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201