Thứ Bảy, 27/4/2024 - 08:21:29 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chủ trương đúng nhưng hiệu quả chưa cao

THỨ NĂM, 30/03/2017 08:05:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn... Tuy nhiên, 6 năm qua, việc thực hiện Đề án này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.


Nhiều lao động sau khi học nghề vẫn không tìm được việc làm. Ảnh: TS
 
Đào tạo chưa đạt kế hoạch đề ra

Hạn chế rõ nhất được chỉ ra trong báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là qua 6 năm triển khai Đề án 1956 (2010-2015), việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới đạt trên 90% kế hoạch. Riêng năm 2016, số lao động nông thôn được đào tạo mới chỉ đạt trên 83% kế hoạch và lao động được đào tạo nghề nông nghiệp chỉ đạt 78,3% so với kế hoạch.

Không chỉ có vậy, chất lượng đào tạo cũng chưa được như mong muốn. Tại nhiều địa phương, tình trạng nhiều học viên sau khi học nghề xong không áp dụng được vào thực tiễn còn phổ biến. Bởi thế, cơ hội việc làm vẫn chưa thể rộng mở với nhiều lao động nông thôn. Đây cũng là điều mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo trăn trở.

Theo ông Thảo, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 1956, khó khăn lớn đối với Cao Bằng là chưa thể hỗ trợ cho nhiều lao động sau học nghề tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ lao động phát huy được tay nghề và có việc làm chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số lao động được đào tạo.

Giống với tỉnh Cao Bằng, tạo việc làm tại chỗ cho bà con sau học nghề là vấn đề vô cùng nan giải đối với tỉnh miền núi thiếu đất, thiếu nước sản xuất, không có nhiều nhà máy, khu công nghiệp như Hà Giang. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, do không có việc làm nên nhiều bà con đã sang Trung Quốc tìm kiếm cơ hội, có huyện có tới 4-5 nghìn lao động qua biên giới làm việc mỗi năm.

Hạn chế trên là hệ quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn mang tính chất phong trào, nhiều nơi mời học viên đến chỉ để “đánh trống, ghi tên và chi tiền”, bởi vậy mới có chuyện cả một xã có tới 600 người cùng học một nghề hoạn lợn. Đó là thực tế mà Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu lên tại Hội nghị toàn quốc về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây. 

Đào tạo phải sát với thực tế

Chính việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa sát với thực tế, xa rời nhu cầu của DN đã khiến nhiều người học xong mà vẫn loay hoay, không tìm được việc làm. Nút thắt này cần phải được tháo gỡ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng địa phương. Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong số hàng trăm nghề được đưa vào danh sách đào tạo cho người nông dân, không phải tỉnh nào cũng tổ chức dạy tất cả các nghề. “Nơi nuôi trồng thủy sản thì phải đào tạo nghề thủy sản; nơi phát triển công nghiệp thì phải đào tạo nghề công nghệ cao…làm sao đào tạo phải phù hợp, gắn với thực tiễn, bám vào địa bàn, thôn, bản, xã chứ không thể bàn việc trên trời, dưới biển được” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tương tự, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, mỗi địa phương phải căn cứ thực tế để tổ chức đào tạo nghề cho phù hợp, đào tạo phải gắn với nhu cầu của đơn vị sử dụng. Ở một mức cao hơn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải lồng ghép với nhiều chương trình khác, gắn với hội nhập quốc tế, nhất là phải bám vào nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp “công nghệ cao, sạch, hữu cơ và thông minh”. Như vậy, đào tạo nghề phải sát với thực tế, đáp ứng nhu cầu của DN, xã hội là thông điệp được hai vị Bộ trưởng chuyển tải đến toàn thể Hội nghị.

Giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu đào tạo khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn; trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người và nâng cao chất lượng đào tạo để ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và 7 hoạt động chính là 12.600 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn NSNN. Để đạt mục tiêu này và không làm lãng phí những đồng tiền từ ngân sách, đã đến lúc, thông điệp của hai vị Bộ trưởng cần được mỗi địa phương nhìn nhận một cách nghiêm túc để có bước đi phù hợp hơn trong tổ chức thực hiện Đề án 1956.

MAI NGỌC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201