Thứ Tư, 8/5/2024 - 20:13:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần có chính sách bảo vệ lao động phi chính thức

THỨ HAI, 16/10/2017 16:05:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Việc làm bấp bênh, thời gian làm việc kéo dài, không có hợp đồng lao động và không được hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT)… là những thiệt thòi mà lao động phi chính thức (lao động tự do) đang phải hứng chịu. Bởi vậy, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để bảo vệ nhóm lao động này.

Lao động phi chính thức chịu nhiều thiệt thòi

Báo cáo Lao động phi chính thức năm 2016 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cho thấy, những năm gần đây, tỷ trọng lao động phi chính thức ở Việt Nam đã giảm từ 58,8% năm 2014 xuống 58,3% năm 2015 và 57,2% năm 2016 . Tuy nhiên, quy mô lao động phi chính thức vẫn tiếp tục tăng lên. Năm 2016, tổng số lao động phi chính thức ở Việt Nam là hơn 18 triệu người, tăng 2,8% so với năm 2015. 

Điều đáng nói là lao động phi chính thức đang chịu nhiều thiệt thòi và bất lợi so với lao động chính thức và dễ bị tổn thương. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lao động phi chính thức chỉ chiếm 14,8%; trong khi tỷ lệ này trong lao động chính thức là 55,4%. 

Mặt khác, gần 70% lao động phi chính thức làm việc trong các nhóm ngành, lĩnh vực sử dụng lao động giản đơn là chủ yếu, điều kiện lao động không bảo đảm, công việc không ổn định. Việc lưu động trên các vỉa hè, lề đường, làm việc ở các chợ, trung tâm thương mại… khiến nhóm lao động này dễ bị tác động bởi các chính sách quản lý nhà nước cũng như các điều kiện tự nhiên, thời tiết. 

Hơn nữa, số giờ làm việc của lao động phi chính thức là 49,2 giờ/tuần, cao hơn 2 giờ so với lao động chính thức (47,2 giờ/tuần) và cao hơn số giờ làm việc theo quy định (48 giờ/tuần). Mặc dù vậy, tiền lương bình quân của lao động phi chính thức chỉ có 4,44 triệu đồng/tháng, bằng 58% tiền lương bình quân của lao động chính thức. Mức lương này khó bảo đảm cuộc sống cho người lao động và gia đình họ. 

Thiệt thòi nữa là 3/4 số lao động phi chính thức làm việc không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Đây là nguyên nhân khiến 97,9% lao động phi chính thức không tham gia BHXH. Việc đa số lao động phi chính thức không tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) đang đặt ra những hệ lụy đối với người lao động cũng như những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia.  

Cần những chính sách hỗ trợ 

 “Để khắc phục sự yếu thế và giảm khả năng bị tổn thương đối với lao động phi chính thức, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng mạng lưới bảo vệ đến nhóm lao động này, từ đó phát huy tiềm năng của họ trong phát triển kinh tế - xã hội” - Báo cáo của Tổng cục Thống kê khuyến nghị. 

Một trong những khuyến nghị quan trọng là cần bảo đảm các quyền cơ bản cho người lao động bằng cách: thúc đẩy ký kết hợp đồng lao động, tham gia BHXH và bảo vệ các điều kiện làm việc tối thiểu; thi hành những điều luật về tiền lương và thu nhập công bằng; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề; bảo vệ người lao động trước sự xâm phạm, lạm dụng của chủ sử dụng lao động và các đối tượng khác. Đây là biện pháp cần thiết bởi thực tế đã chứng minh tầm quan trọng của khu vực phi chính thức và lao động phi chính thức đối với nền kinh tế nhưng nhóm lao động này vẫn bị bỏ quên trong nhiều chính sách công, ít nhận được sự bảo vệ của Công đoàn và pháp luật. 

Không chỉ dừng lại ở các chính sách hỗ trợ, về lâu dài, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đào Quang Vinh cho rằng, Nhà nước cần tăng cường chính sách liên kết kinh tế trong phát triển địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh quá trình chuyển đổi khu vực phi chính thức thành khu vực chính thức, tạo cơ hội thuận lợi để tăng đầu tư, mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng. Từ đó, tiền lương, lợi nhuận và năng suất lao động có khả năng tăng cao hơn.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải có các chương trình hành động cụ thể nhằm khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất đăng ký thành lập dưới các hình thức DN. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về thuế cũng như bảo đảm cho DN hoạt động hiệu quả sau chuyển đổi. Đây là điều kiện để giúp lao động phi chính thức cải thiện vị trí việc làm, tham gia BHXH và được pháp luật bảo vệ.

ĐỨC THÀNH
Theo Tuần Báo ra ngày 12-10-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201