Chủ Nhật, 5/5/2024 - 13:36:26 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nâng cao năng suất lao động: Cần giải pháp đột phá, dài hơi

THỨ BA, 05/12/2017 08:25:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Năng suất lao động (NSLĐ) thấp đang thực sự trở thành rào cản của Việt Nam trong quá trình cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế. Thị trường lao động trong nước đang có xu hướng già hóa… Những thách thức này tiếp tục được chỉ ra trong Báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện và công bố mới đây.

Rào cản của quá trình hội nhập

Theo Báo cáo, trong 5 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam gần như ổn định và chỉ tăng nhẹ từ 1,96% lên 2,26% vào quý II/2017. Cùng với đó, tỷ lệ thiếu việc làm cũng ở mức thấp và có xu hướng giảm từ 2,74% năm 2012 xuống còn 1,62% vào quý II/2017. Dù vậy, điều đáng lo ngại là chất lượng lao động của Việt Nam còn thấp, với chỉ trên 23% có bằng cấp, chứng chỉ. Cơ cấu lao động theo các cấp trình độ đào tạo còn bất hợp lý, chưa thực sự phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn lạc hậu. Trong đó, số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức khá lớn với trên 18 triệu người. Do đó, mục tiêu hướng tới việc làm bền vững tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, thất nghiệp và thiếu việc làm không phải là vấn đề lớn nhất mà NSLĐ thấp mới chính là thách thức của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế. 

Vấn đề nâng cao NSLĐ không phải tới giờ mới được đặt ra. Nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành cũng như các tọa đàm, hội thảo khoa học trước đó đều đề cập đến thách thức này. Tại một hội thảo bàn giải pháp nâng cao NSLĐ diễn ra gần đây, ông  Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho biết,  từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đạt khoảng 4,5%/năm, tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực. 

Trong khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số, thay đổi cơ cấu việc làm theo nhóm tuổi và nhiều thách thức khác đối với mục tiêu tăng NSLĐ. “Số lao động là người cao tuổi làm việc trong nền kinh tế hiện nay ngang bằng với số lao động từ 15 - 24 tuổi” - ông Tuấn cho biết. 

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội tăng NSLĐ ở Việt Nam là không dễ dàng, nếu như Chính phủ, các cơ quan chức năng và bản thân người lao động không thực hiện được các giải pháp mang tính đột phá, dài hơi. 

Giải pháp nào để nâng cao năng suất lao động?

Theo nhận định của các chuyên gia, rất nhiều tác động ảnh hưởng đến NSLĐ ở Việt Nam, như: đa số DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm tỷ lệ quá cao... Xét về vĩ mô, cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; lao động trong nông nghiệp và lao động khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi NSLĐ ngành Nông nghiệp và khu vực phi chính thức ở nước ta thấp.

Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động. Ngoài ra, một số điểm nghẽn và rào cản về cải cách thể chế và thủ tục hành chính chậm được khắc phục.

Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn cải thiện được NSLĐ, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ, chất lượng lao động, thay vì giá trị sản xuất chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên. 

Cho rằng nâng cao NSLĐ cần phải gắn liền với chính sách tiền lương, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, DN cần đảm bảo mức sống để họ có phần chi phí đầu tư cho học tập, tập huấn. Đồng thời, DN cũng phải đầu tư công nghệ, máy móc phù hợp, đồng bộ. Bởi, nếu người lao động có tay nghề cao, nhưng thao tác trên phương tiện lao động cũ kỹ, lạc hậu, cũng không thể nâng cao năng suất. 

Coi nguồn nhân lực là nhân tố quyết định đến tăng NSLĐ, Ths. Phạm Ngọc Thành - Trưởng khoa Quản lý lao động (Đại học Lao động Xã hội) cho rằng, cần đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực. “Cùng với những đổi mới ở cấp vĩ mô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, dạy nghề là yêu cầu cấp thiết hiện nay” - ông Thành nói. 

Cũng nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để tăng NSLĐ, Báo cáo của Viện Khoa học Lao động và Xã hội đưa ra khuyến nghị “cần phân luồng sớm ngay từ cấp Trung học cơ sở để tạo chuyển biến trong nhận thức của xã hội về quyết định lựa chọn nghề nghiệp”.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 30-11-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201