(BKTO) - Góp ý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành BHXH Việt Nam; đồng thời đề xuất quy định rõ việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH Việt Nam trong Dự thảo Luật.
|
Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: VPQH
|
Góp phần ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng BHXH, BHYT
Đề cập đến quy định về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) phân tích, cơ quan BHXH đã được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước như: xử phạt vi phạm hành chính, ban hành, công bố thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, quản lý về thu chi, bảo toàn, phát triển và cân đối Quỹ BHXH. Tại Luật BHXH năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rất rõ và được cụ thể hóa tại các văn bản hướng dẫn thi hành.
|
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
|
Thực hiện chức năng thanh tra, hiện nay BHXH Việt Nam đã có hệ thống thanh tra, kiểm tra của ngành được cơ cấu theo hai cấp trung ương và địa phương.
Trong những năm vừa qua, ngành BHXH đã khẳng định được vai trò và khả năng của mình trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, qua đó góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chiếm dụng nợ đọng BHXH, BHYT, tạo được niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với ngành trong tổ chức thực hiện chính sách.
Đồng thời, qua thanh tra cũng đã góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của người lao động và chủ sử dụng lao động. Hiệu quả trong công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng cho thấy hầu hết kết quả thanh tra, kiểm tra là do cơ quan BHXH thực hiện.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) một số quy định về thanh tra đối với BHXH Việt Nam để cơ quan BHXH được tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp trung ương và địa phương; hoạt động thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH do Chính phủ quy định,
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) chỉ rõ, Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã quy định cơ quan thanh tra cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ được thành lập theo quy định của Chính phủ. Nhưng với hệ thống của BHXH là cơ quan thuộc Chính phủ tương tự như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê thì chưa được Luật Thanh tra khẳng định vị trí của Thanh tra BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam thì từ năm 2016 đến năm 2021, cơ quan BHXH đã thanh kiểm tra tại 92.554 đơn vị, phát hiện 282.247 trường hợp vi phạm về đối tượng, mức đóng (bằng 120%) với số tiền truy thu BHXH, BHYT, BHTN gần 792 tỷ đồng (bằng 451%) so với số thực hiện qua công tác kiểm tra giai đoạn 2011- 2015; yêu cầu khắc phục số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 11.492,6 tỷ đồng.
Dẫn số liệu trên, đại biểu đánh giá, thanh tra BHXH (chủ yếu là ở cấp tỉnh) đã đóng góp to lớn để bảo đảm việc đóng BHXH, BHYT, BHTN được đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; xử lý các vi phạm trong đóng BHXH, BHYT, BHTN kịp thời và nghiêm minh.
“Tôi thấy cần thiết quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi) cụ thể về cơ quan Thanh tra BHXH bao gồm BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để vừa duy trì tổ chức đang ổn định hiện nay của Thanh tra BHXH tỉnh, thành phố vừa cân đối với cơ quan thanh tra trong các Bộ” – đại biểu Dũng nêu quan điểm.
Quy định cụ thể cơ quan BHXH vào nhóm các cơ quan thanh tra
Phân tích cụ thể hơn về quy định thanh tra chuyên ngành trong Dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) nêu, khoản 1 Điều 34 Dự thảo Luật đã điều chỉnh, bổ sung quy định “Chính phủ quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ”. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy định chung việc thành lập cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, chưa quy định cụ thể BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra.
|
Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
|
Theo đại biểu, với quy định nêu trên, sau khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ phát sinh một số vấn đề.
Thứ nhất, cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH sẽ không còn được bảo đảm vì Luật Thanh tra (sửa đổi) không còn quy định hình thức cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Thứ hai, nếu BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra cũng chưa rõ nội hàm việc được thành lập cơ quan thanh tra của BHXH cấp tỉnh, trong khi Phòng Thanh tra, kiểm tra tại BHXH các tỉnh, thành phố đã được tổ chức và hoạt động có hiệu quả từ khi Luật BHXH có hiệu lực năm 2014.
Việc không quy định rõ cơ quan BHXH được thành lập cơ quan thanh tra từ trung ương tới địa phương như tại Dự thảo hiện nay sẽ không thống nhất với các luật có liên quan, không bảo đảm cơ sở để BHXH cấp tỉnh, thành phố thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử phạt theo quy định.
Từ phân tích trên, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị: "Nêu cụ thể tên cơ quan BHXH và đưa vào nhóm các cơ quan có nhiệm vụ thanh tra tại khoản 4 Điều 9 Dự thảo Luật để bảo đảm tính kế thừa, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bổ sung thêm khoản 4 vào Điều 114, tổ chức hoạt động và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại cấp trung ương và địa phương của cơ quan BHXH do Chính phủ quy định”.
Đồng tình với đề xuất trên, các đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi); Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn TP. Hà Nội); Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc bổ sung thêm cơ quan BHXH vào khoản nhóm các cơ quan thanh tra nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho cơ quan BHXH thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; đồng thời bảo đảm tính đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành./.
Đ. KHOA