Thứ Bảy, 20/4/2024 - 02:40:09 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Không để thiếu hụt nguồn nhân lực cho phục hồi du lịch

THỨ SÁU, 10/06/2022 09:16:59 | VĂN HÓA - THỂ THAO - GIẢI TRÍ
(BKTO) - Trong bối cảnh ngành du lịch đang đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao có thể trở thành rào cản làm hạn chế những nỗ lực phục hồi, phát triển du lịch trong nước.

 

Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và DN chính là giải pháp để khắc phục thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Ảnh sưu tầm


Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch

Đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả đến từng lĩnh vực trong đời sống, xã hội, trong đó lĩnh vực du lịch vốn được ví là “ngành công nghiệp không khói” trở thành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, trải qua hơn 2 năm đại dịch, ngành du lịch chịu “thiệt đơn, thiệt kép”, khi sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng do đóng cửa thị trường, không đón khách quốc tế; cùng với đó là tình trạng “chảy máu chất xám”, khi người lao động rời bỏ lĩnh vực du lịch để làm công việc khác.

Nhìn nhận về vấn đề này, đại diện một DN trong lĩnh vực lữ hành có trụ sở tại TP. Hà Nội cho biết, đây thực sự là thách thức đối với các DN lữ hành nói riêng, ngành du lịch cả nước nói chung trong bối cảnh du lịch trong nước đang đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch và Việt Nam đã mở cửa thị trường du lịch đón khách quốc tế.

Trong khi đó, theo số liệu khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về số lượng tuyển sinh của 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch, đến tháng 9/2021, số lượng tuyển sinh ngành du lịch bị sụt giảm 32%, đến hết tháng 12/2021 chỉ còn bằng 50% so với năm 2019 (trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát).

Điều này cho thấy tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực du lịch không chỉ diễn ra ở những đơn vị kinh doanh, hoạt động du lịch mà còn ở cả những cơ sở đào tạo du lịch. Sự e ngại không lựa chọn theo học ngành du lịch của thế hệ kế cận đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của “ngành kinh tế xanh”.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu của tổ chức kinh doanh, phục vụ khách du lịch.

Đồng thời, cần phải rà soát, tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực du lịch, đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực, đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch ở địa phương trong cả nước, thích ứng với điều kiện, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
 
Theo Hội đồng Lữ hành thế giới, chỉ trong hai năm 2020-2021, dịch Covid-19 đã làm mất đi 62 triệu/334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng khuyến cáo, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch Covid-19 đi qua và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong giảng dạy, tuyển dụng

Trong bối cảnh du lịch đang từng bước phục hồi và thiếu trầm trọng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, hướng đi hiệu quả là cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong giảng dạy, tuyển dụng giữa nhà trường và DN du lịch. Đây không chỉ là giải pháp giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực mà còn là kênh kết nối hữu hiệu giúp DN tìm được các ứng viên có trình độ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

PGS,TS. Đinh Thị Vân Chi - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhận định: Hầu hết các trường đào tạo ngành du lịch hiện không đủ thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, sự chuyển đổi công nghệ của DN, dẫn đến tình trạng “cung” không gặp “cầu”.

Mặt khác, có thực tế là nhiều trường vẫn đào tạo những gì mình có, chưa đào tạo những gì DN cần. Trong khi bản thân sinh viên cũng chưa thực sự chủ động với tương lai nghề nghiệp của mình, khi đi thực tập tại DN thì chủ yếu với tâm thế lấy số liệu để làm báo cáo thực tập, chứ không coi đó là thời gian để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội việc làm.

“Thiếu sự liên kết, phối hợp của các bên chính là lý do khiến DN phàn nàn về việc cử nhân sau tốt nghiệp vẫn phải tốn rất nhiều công đào tạo lại” - PGS,TS. Đinh Thị Vân Chi nhấn mạnh tính liên kết giữa nhà trường, DN và người học, đồng thời lưu ý, trong bối cảnh DN cần nhân lực có chất lượng cho quá trình phục hồi như hiện nay thì lực lượng lao động thiếu kỹ năng này thậm chí còn cản trở quá trình phục hồi.
 

Thiếu hụt nhân lực du lịch chất lượng cao có thể là rào đối với quá trình phục hồi, phát triển du lịch. Ảnh: N.LỘC


Còn theo TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nếu muốn nhanh chóng bồi lấp "lỗ hổng" về nhân lực du lịch, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp về liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo với DN trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; đồng thời nghiên cứu thị trường sau đại dịch Covid-19 để làm cơ sở định hướng cho việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, bảo đảm chất lượng; tăng cường phối hợp giữa cơ sở đào tạo và DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm đáp ứng thị trường thời hậu Covid-19…

“Liên kết trong đào tạo giữa nhà trường, DN là một trong những trọng tâm được Tổng cục triển khai xuyên suốt những năm gần đây. Trên thực tế, nhiều trường nghề đang cung cấp nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhờ vào những mô hình liên kết hiệu quả” - TS. Vũ Xuân Hùng cho biết.

Tại nhiều diễn đàn về phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng từng nhấn mạnh, du lịch đang dần định hướng trở thành ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia. Phát triển du lịch là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hậu Covid-19 và lãnh đạo Chính phủ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để du lịch phục hồi, bứt phá. Do đó, toàn ngành du lịch, các địa phương và DN cần tập trung khắc phục những khó khăn do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, không để những khó khăn này trở thành rào cản ảnh hưởng đến quá trình phục hồi du lịch.
NGUYỄN LỘC
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự án siêu điểm đến và vị trí mới trên bản đồ du lịch cao cấp toàn cầu của Quy Nhơn

Dự án siêu điểm đến và vị trí mới trên bản đồ du lịch cao cấp toàn cầu của Quy Nhơn

(BKTO) - Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đang đổi thay về hạ tầng du lịch với những gam màu nóng sôi động và sầm uất bên cạnh sắc xanh bình yên thơ mộng của một thành phố biển. Nơi đây sẽ trở thành điểm đến mới của châu Á, nhất là với sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược và dự án đảm nhận vai trò “cú hích” quyết định.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201