(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.
|
VCCI cho rằng cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa - Ảnh minh họa: chinhphu.vn
|
Theo VCCI, hiện nay, nguồn lực dành cho các hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hoá phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước.
Tờ trình của cơ quan soạn thảo cũng thừa nhận thực tế là nguồn lực xã hội hoá dành cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hoá không nhiều do cơ chế tài chính hiện có rất nhiều bất cập.
Trong khi đó, sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay cho thấy, bắt đầu có không ít cá nhân, tổ chức có mong muốn, nguyện vọng dành một phần tài sản của bản thân để đóng góp cho việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá, tinh thần của xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có những cơ chế tài chính minh bạch để dẫn dắt dòng tiền này phục vụ cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hoá. Các thiết chế trung gian về tài chính và văn hoá chưa nhận được đủ sự tin tưởng để gửi gắm các nguồn lực xã hội này.
Cũng theo VCCI, do thiếu cơ chế tài chính, nên các khoản tiền đóng góp cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hoá thường tồn tại dưới 2 hình thức chính là tặng cho vô điều kiện và tài trợ dự án, xây dựng công trình.
Trong đó, hình thức đầu tiên sẽ không thu hút được nhiều nguồn lực; còn hình thức thứ hai thì dễ kiểm soát mục đích sử dụng tiền, nhưng lại không có gì để bảo đảm về chất lượng.
Do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định về một cơ chế tài chính cho phép các “mạnh thường quân” có thể vẫn kiểm soát được việc sử dụng tiền đúng mục đích hiến tặng cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hoá mà không mất nhiều công sức quản trị.
Theo đó, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu một số mô hình như cho phép các bảo tàng, ban quản lý di tích, các hội nhóm bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể được thành lập quỹ tín thác.
Các quỹ này được phép tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hoá thông qua các hợp đồng có và không có ràng buộc, phải bảo đảm sử dụng tiền đúng mục đích và hiệu quả thông qua các biện pháp như báo cáo, kiểm soát, kiểm toán…/.
DIỆU THIỆN