Thứ Năm, 28/3/2024 - 16:07:22 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội

THỨ SÁU, 25/10/2019 19:00:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO)- Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, chiều 25/10, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật và cho biết, KTNN sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận.


 Tổng Kiểm toán Nhà nước giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận - Nguồn: TTXVN
 
Về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: Tại Luật KTNN 2015 có quy định về đối tượng kiểm toán và có nói đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, Luật chưa có khái niệm nói rõ tổ chức, cá nhân liên quan là như thế nào nên trong quá trình kiểm toán, KTNN gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, KTNN đề nghị xác định rõ tổ chức, cá nhân liên quan là tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và có liên quan trực tiếp đến đơn vị được kiểm toán. Điều đó có nghĩa là KTNN muốn kiểm tra, đối chiếu một tổ chức, đơn vị thì phải liên quan trực tiếp đến đơn vị đang được kiểm toán.

Chẳng hạn, khi kiểm toán một DNNN mà DNNN đó có chuyển tiền hoặc có hoạt động liên doanh với một DN ngoài nhà nước thì theo dòng tiền và các hoạt động đó, KTNN yêu cầu để kiểm tra, đối chiếu, làm rõ.

Dẫn một số ví dụ, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: KTNN không tùy tiện kiểm tra một đơn vị ngoài Nhà nước mà chỉ tiến hành kiểm tra khi đơn vị đó có hoạt động liên quan đến đơn vị đang được kiểm toán.

Liên quan đến việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan, đơn vị, DN đều sử dụng dữ liệu điện tử, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử và báo cáo điện tử. Điều đó đòi hỏi KTNN phải bắt kịp xu thế này. Trước đây các đơn vị được kiểm toán cung cấp dữ liệu bằng giấy nhưng khi chuyển sang dùng dữ liệu điện từ thì có nghĩa KTNN phải được cung cấp các hồ sơ, tài liệu điện tử đó để kiểm tra mức độ chính xác của các số liệu, dữ liệu đó; cho nên KTNN phải truy cập dữ liệu điện tử.
 

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV - Nguồn: TTXVN
 
Chia sẻ lo lắng của đại biểu Quốc hội về vấn đề bí mật của DN, đơn vị, bí mật cá nhân, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, điều này không đáng ngại, vì khi KTNN muốn truy cập vào dữ liệu điện tử của một cơ quan, tổ chức thì phải được cơ quan đó đồng ý, cung cấp tài khoản; phải thống nhất về phạm vi, nội dung giới hạn truy cập. Đồng thời, Trưởng đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm về bảo mật và các quy định pháp luật có liên quan và nếu ủy quyền cho kiểm toán viên thì kiểm toán viên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; người ủy quyền cũng phải chịu trách nhiệm như người được ủy quyền. Đặc biệt, KTNN chỉ lấy dữ liệu, tài liệu phục vụ cho vấn đề kiểm toán, không lấy các dữ liệu khác, kể cả về dữ liệu điện tử Quốc gia cũng phải được cấp tài khoản và quy định về thời gian, nội dung, giới hạn được truy cập.

Về vấn đề phối hợp với cơ quan thanh tra, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, hiện nay KTNN phối hợp với Thanh tra Chính phủ rất tốt và Dự thảo Luật quy định KTNN phải phối hợp với Thanh tra Chính phủ vì trong Luật Thanh tra đã quy định Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý về thanh tra. Vì vậy, KTNN sẽ trực tiếp làm việc với đầu mối là Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, KTNN cũng gửi lấy kiến các địa phương, Bộ, ngành.

“Trong kế hoạch kiểm toán chi tiết, KTNN cũng công khai hết các đầu mối kiểm toán, sau khi đã thống nhất với các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cho nên khi có sự trùng lặp thì sẽ phối hợp để hạn chế trùng lặp, giảm phiền hà cho các đơn vị”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội về mối quan hệ giữa KTNN với chính quyền địa phương. Theo đó, hiện nay khi hoàn thiện và phát hành báo cáo kiểm toán, KTNN gửi đến thường trực HĐND và có thông báo những nội dung chủ yếu đến Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh.

HỒNG- HƯỜNG (Ghi)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201