Thứ Năm, 7/11/2024 - 20:30:11 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

THỨ SÁU, 25/10/2019 16:23:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, chiều nay (25/10) Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.

Mở đầu phiên họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận- Ảnh: Q. Khánh


Làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để đảm bảo chặt chẽ

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính- Ngân sách, chủ trì, phối hợp với KTNN và các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.

Giải trình một số nội dung của Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nguyễn Đức Hải nêu rõ, liên quan đến việc thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14, Dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo giữa cơ quan thanh tra và KTNN. Nội dung liên quan đến tổ chức, biên chế, bộ máy, KTNN đã lập, trình cấp có thẩm quyền các Đề án liên quan.

Thực tế hiện nay, cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi khác nhau được quy định tại 2 Luật khác nhau nhưng đều cần thiết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong khi chưa có sự phân biệt rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và đối tượng của KTNN và thanh tra nếu không có sự phối hợp tốt giữa KTNN và các cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo về đối tượng, đơn vị và nội dung thanh tra, kiểm toán, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, DN.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao KTNN chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo.

Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, có ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo Luật là mở rộng đối tượng kiểm toán, trái với Luật KTNN và Hiến pháp. Ý kiến khác cho rằng, đối tượng kiểm toán theo Dự thảo Luật là rất rộng, cần thu hẹp lại. Có ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

UBTVQH nhận thấy, Dự thảo Luật quy định khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán, vượt ra ngoài phạm vi là đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì vậy, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH bỏ điểm 1, điểm 2a khoản 10 Điều 1 trong Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật KTNN- Ảnh: Q. Khánh


Đồng thời, bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, cách vận dụng khác nhau, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Dự thảo Luật bổ sung quy định trong trường hợp cần kiểm tra, đối chiếu thì phải đưa vào kế hoạch do Trưởng Đoàn kiểm toán duyệt.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định KTNN chỉ được kiểm tra, đối chiếu để làm rõ các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN, quyền được khiếu nại về hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán, về kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước, để khách quan, công bằng và bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này.

Quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính của KTNN

Liên quan đến việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp, UBTVQH nhận thấy, việc đề xuất bổ sung quy định này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khi các cơ quan tố tụng đề nghị KTNN thực hiện giám định đối với một số vụ việc cụ thể phục vụ quá trình xem xét, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tuy nhiên, nếu bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN thì KTNN sẽ trở thành cơ quan giám định chuyên trách, trong khi nhiệm vụ của KTNN theo Hiến pháp và Luật KTNN rất nặng nề nên khó khăn cho KTNN trong triển khai thực hiện.

Đồng thời, theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 và năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trong quá trình sửa đổi Luật Giám định tư pháp sẽ nghiên cứu, bổ sung hợp lý nội dung này nếu cần thiết. Vì vậy, không bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN vào Dự thảo luật.

Về bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính, qua thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình bổ sung thẩm quyền cho KTNN nhưng đề nghị cần đánh giá và xem xét kỹ để tránh xung đột với các luật chuyên ngành. Có ý kiến cho rằng, Dự thảo luật có nội dung chồng chéo với một số luật khác, có nội dung vượt thẩm quyền, có nội dung chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Có ý kiến cho rằng, một số quy định không thuộc phạm vi của Luật này mà phải quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

UBTVQH cho rằng, việc trao cho KTNN thẩm quyền ban hành VBQPPL, quyền xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của KTNN. Tuy nhiên, Luật này chỉ quy định thẩm quyền của KTNN còn quy định về hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính,... sẽ được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

KTNN xem xét, quyết định kiểm toán khi có dấu hiệu tham nhũng

Về bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Dự thảo Luật đã rà soát, lược bỏ, thể hiện lại hoặc bổ sung một số điều, khoản theo hướng hạn chế dẫn chiếu các nội dung đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) như: Bỏ các quy định về quyền “xác minh”, bỏ quy định về trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán khi đã kiểm toán nhưng không phát hiện tham nhũng do đã quy định rõ tại Điều 64 Luật PCTN và để thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành VBQPPL “không quy định lại các nội dung đã được quy định trong VBQPPL khác”.

Đồng thời, Dự thảo Luật sửa quy định KTNN ban hành quyết định kiểm toán khi “có dấu hiệu vi phạm pháp luật” thành KTNN có nhiệm vụ xem xét, quyết định việc kiểm toán khi “có dấu hiệu tham nhũng” cho phù hợp với Luật PCTN và sửa khoản 3 Điều 30 Luật KTNN để bảo đảm phù hợp, tương thích; quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định và tổ chức các biện pháp cụ thể để PCTN trong nội bộ KTNN theo quy định của Luật PCTN, làm căn cứ cho KTNN rà soát lại các quy định đã ban hành để đảm bảo theo yêu cầu của Luật PCTN.

Dự thảo Luật cũng quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành “Quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng” để quy định các nội dung Luật PCTN dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về KTNN.

Bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử cho KTNN là cần thiết

Liên quan đến việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, theo UBTVQH, việc bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0.

Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các ĐBQH đã nêu, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước,… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.

Vì vậy, UBTVQH xin tiếp thu, quy định rõ chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (Trưởng Đoàn kiểm toán có thể ủy quyền truy cập bằng văn bản theo quy định của pháp luật); đồng thời, KTNN chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Đã đủ căn cứ để thực hiện giám sát đối với hoạt động của KTNN

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN, báo cáo giải trình nêu rõ, khoản 1 Điều 63 Luật KTNN hiện hành đã quy định Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát hoạt động KTNN theo quy định của pháp luật; khoản 2 Điều 63 quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác của KTNN trước Quốc hội, UBTVQH; báo cáo, giải trình, cung cấp tài liệu,… theo yêu cầu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,…

Bên cạnh đó, Khoản 43 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã quy định hình thức, nội dung, kế hoạch, trình tự tổ chức và thực hiện phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nên đã bảo đảm đủ căn cứ để thực hiện việc giám sát đối với hoạt động của KTNN và tổ chức giải trình đối với báo cáo kiểm toán khi cần thiết. Vì vậy, xin không bổ sung nội dung này vào Dự thảo Luật.

Cũng theo UBTVQH, việc tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN là hết sức cần thiết để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và chất lượng trong hoạt động kiểm toán, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, KTNN đã ban hành các văn bản dưới luật để điều chỉnh, thực tế đã tổ chức bộ máy và đang triển khai kiểm soát chất lượng kiểm toán có hiệu quả. Vì vậy, UBTVQH cho rằng, việc bổ sung để luật hóa nội dung kiểm soát chất lượng kiểm toán là phù hợp. Tuy nhiên, nội dung thể hiện trong Dự thảo luật có thể dẫn đến cách hiểu là KTNN phải thành lập thêm bộ máy để thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh sửa cho rõ hơn và thể hiện cụ thể tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo luật (bổ sung Điều 49a).

Bảo đảm quyền và lợi ích của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Liên quan đến việc bổ sung quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán, UBTVQH nêu rõ, Luật KTNN đã quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán, kết luận, kiến nghị kiểm toán.

 

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường chiều 25/10- Ảnh: quochoi.vn


Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật quy định rõ đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán; đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết luận, kiến nghị trong thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán. Dự thảo Luật cũng bổ sung, quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Bên cạnh đó, để bảo đảm đầy đủ căn cứ giải quyết khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán, Dự thảo Luật bổ sung quy định trường hợp báo cáo kiểm toán được tổng hợp từ nhiều đơn vị được kiểm toán, KTNN gửi cho từng đơn vị được kiểm toán thông báo kết quả kiểm toán về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với đơn vị đó trong báo cáo kiểm toán. Khi đó, thông báo kết quả kiểm toán là căn cứ để đơn vị được kiểm toán khiếu nại, khởi kiện theo quy định.

Đồng thời, Dự thảo Luật cũng quy định rõ nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa. Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện theo Luật Tố tụng hành chính và để thực hiện được việc khởi kiện, Dự thảo Luật sửa đổi một số điều, khoản và một số nội dung mang tính kỹ thuật của Luật Tố tụng hành chính (bổ sung cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán” vào sau cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh” tại một số điều, khoản của Luật Tố tụng hành chính). Các sửa đổi này chỉ là bổ sung thêm tố tụng trong hoạt động kiểm toán, không ảnh hưởng hay thay đổi hoạt động tố tụng hành chính hiện hành đang triển khai thực hiện và các quy định về khởi kiện có thể thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật; đồng thời, đánh giá cao việc Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã phối hợp tiếp thu tối đa, xác đáng các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu tiếp tục tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số nội dung trong Dự thảo Luật. Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục đưa tin về nội dung này.

N. HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     2 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201