Thứ Tư, 24/4/2024 - 22:43:29 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Cần quy định về thanh tra, kiểm toán dự án PPP theo đúng Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán nhà nước

THỨ HAI, 11/11/2019 20:20:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Phát biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sáng 11/11, đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chỉ ra nhiều điểm chưa rõ trong Dự thảo Luật. Đặc biệt, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định về thanh tra, kiểm toán các dự án PPP theo đúng quy định của Luật Thanh tra và Luật KTNN.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 11/11- Ảnh: N. Hồng


Ai lập, thẩm định thiết kế dự toán?

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác đối tác công tư là cần thiết trong bối cảnh NSNN hạn hẹp; đồng thời nhằm huy động nguồn lực của xã hội để tạo nên kích cầu đầu tư.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận xét, nhiều quy định thiết kế trong Dự thảo Luật chưa rõ, có thể dẫn đến việc quản lý thiếu chặt chẽ, tạo lỗ hổng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, bản chất của PPP là hợp đồng giữa cơ quan nhà nước và tư nhân, để xây dựng sản phẩm công (gồm công trình công và dịch vụ công). Chúng ta phải nhìn nhận đây chính là huy động vốn tư nhân để đầu tư công trình công, chứ không phải huy động vốn tư nhân để đầu tư vào công trình tư nhân, ví dụ như đầu tư công trình giao thông, trụ sở làm việc… Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẽ được hoàn trả lại một khoản lợi ích thông qua việc có thể được khai thác công trình đó để thu tiền lại hoặc được thu phí; đổi đất lấy công trình hoặc đổi bằng các tài sản khác của Nhà nước.

Từ cách tiếp cận đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị, về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, cần bổ sung thêm các công trình thủy lợi, công trình chống sạt lở, đê điều, nghĩa trang, xử lý rác thải. Đây là những công trình quan trọng, thiết thực cần huy động vốn của tư nhân.

Về thủ tục lập dự án, Dự thảo Luật quy định việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi giao cho nhà đầu tư tổ chức lập. Những dự án do nhà đầu tư tự đề xuất thì nhà đầu tư lập dự án nghiên cứu khả thi.

Như vậy, ở đây kể cả cơ quan nhà nước hay nhà đầu tư lập dự án nghiên cứu khả thi thì Dự thảo Luật cũng chưa quy định ai là người lập thiết kế dự toán, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công cũng như ai là người lập tổng dự toán. Khi không quy định thì có thể hiểu những danh mục này do nhà đầu tư tự lập.

Dự thảo Luật cũng mới chỉ quy định về thẩm định dự án nghiên cứu khả thi và tiền khả thi, chưa quy định rõ cơ quan nào thẩm định thiết kế dự toán, trong khi thiết kế dự toán là cơ sở để quản lý chi phí đầu tư.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu vấn đề này vì đây chính là vấn đề cốt lõi để quản lý một dự án tiết kiệm hay không tiết kiệm, lãng phí hay không lãng phí, đúng hay sai, bền vững hay không bền vững, chất lượng hay không chất lượng”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, trong thiết kế của Luật chưa quy định về trách nhiệm giám sát thi công của cơ quan nhà nước được giao quản lý hợp đồng PPP trong việc giám sát nhà đầu tư về giám sát thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình.

Bên cạnh đó, Điều 67, Dự thảo Luật quy định, cơ quan ký hợp đồng có trách nhiệm tách vốn nhà nước thành 1 dự án thành phần phần giải phóng mặt bằng, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, quy định như vậy là không đúng. Theo Tổng Kiểm toán, cơ quan có thẩm quyền (ví dụ như UBND tỉnh) là người quyết định dự án đầu tư thì mới là người có quyền tách dự án này thành 2 dự án, chứ không thể giao cho chủ án. Đây là vấn đề bất cập cần xem xét.

Cơ sở nào để chia sẻ rủi ro nếu không thanh tra, kiểm toán

Liên quan đến vấn đề chia sẻ rủi ro, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật cân nhắc, nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong khi Dự thảo Luật quy định vấn đề chia sẻ rủi ro trong đầu tư nhưng KTNN và thanh tra các cấp không được thanh tra, kiểm toán dự án PPP này thì không biết cơ sở nào để thanh quyết toán và cơ sở nào để chia sẻ rủi ro.

Chẳng hạn, tại Điều 79 Dự thảo Luật quy định, chỉ có thanh tra chuyên ngành kế hoạch đầu tư mới được thanh tra các dự án; như vậy thì Thanh tra Chính phủ hay thanh tra cấp tỉnh không được làm, quy định như vậy là không đúng.

Tương tự, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại Điều 80 Dự thảo Luật quy định, KTNN chỉ kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 cũng không đúng. Bởi Điều 65 quy định KTNN chỉ kiểm toán phần vốn của Nhà nước. Nếu như vậy thì có gì để kiểm toán.

“Cả công trình hay một đoạn đường có đúng giá trị thực chất hay không, chất lượng đảm bảo hay không và trong đó Nhà nước tham gia bao nhiêu vốn, việc hoàn trả lại nhà đầu tư như thế nào thì KTNN phải được kiểm toán mới đúng. Ví dụ như dự án BOT, Nhà nước không bỏ đồng vốn nào nhưng KTNN đã chỉ ra nhiều lỗ hổng, sai phạm”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu vấn đề.

Hay quy định như Điều 67 thì KTNN chỉ kiểm toán phần vốn nhà nước giải phóng mặt bằng. Còn cả công trình liên quan đến vấn đề xây lắp hay được Nhà nước hoàn trả đất đai hay được thu phí thì không có ai kiểm soát.

“Tôi đề nghị cần quy định cơ quan thanh tra nhà nước các cấp và KTNN thực hiện thanh tra và kiểm toán dự án PPP theo đúng quy định hiện hành của Luật Thanh tra và Luật KTNN”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc một lần nữa nhấn mạnh: Bản chất của PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và tư nhân. Đây thực chất là tài sản công nên chúng ta phải quản lý một cách chặt chẽ từ khi triển khai đến khi quyết toán đưa vào sử dụng và đến khi Nhà nước quản lý lại dự án này; tránh tình trạng như ở các dự án BOT hay BT vừa qua.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đặt vấn đề, trong thực hiện dự án theo hình thức BT, tại sao không huy động bằng tiền mà cứ huy động bằng đất. Chẳng hạn, Nhà nước lập thiết kế dự toán một công trình, tính lãi suất đầy đủ và sau đó nhà đầu tư nào trúng thầu thì bỏ vốn ra làm xong bàn giao lại cho Nhà nước. Trong thời hạn cụ thể, Nhà nước hoàn trả lại cho DN bằng tiền.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, vấn đề này cần nghiên cứu, tổng kết, làm rõ từ thực tiễn để phát huy nguồn lực xã hội trong đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng.

N. HỒNG (Ghi)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201