Thứ Sáu, 29/3/2024 - 22:34:05 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2019

THỨ SÁU, 31/05/2019 22:25:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO)- Ngày 31/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019.

Quang cảnh phiên họp- Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế- xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2019; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và chương trình công tác 5 tháng đầu năm 2019; dự thảo các Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; về thí điểm mở rộng quyền tự chủ của một số trường đại học…

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phiên họp diễn ra ngay sau khi Quốc hội kết thúc Phiên thảo luận toàn thể về kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước. Tại diễn đàn này, Quốc hội nhìn chung đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu lên các mặt tồn tại, bất cập và Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ “nghiêm túc lắng nghe, nghiêm túc sửa chữa, nghiêm túc làm việc để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”.

Nêu bật những kết quả đạt được về kinh tế- xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, thách thức mà đất nước phải đối mặt, nhất là vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ- Trung diễn biến khó lường; rủi ro tỷ giá, lãi suất; bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ; giá dầu thô và một số hàng hóa tiếp tục xu hướng biến động mạnh, lúc lên lúc xuống thất thường… “Tất các những điều đó cùng với tình hình trong nước, làm chúng ta phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về một số tồn tại, thách thức như: phòng chống dịch tả lợn châu Phi, một vấn đề khá trầm trọng hiện nay, không thể chủ quan vì nếu dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến 30% đàn lợn thì tăng trưởng trong nông nghiệp bằng 0 và nếu ảnh hưởng đến 50% thì nông nghiệp sẽ bị âm. Xuất khẩu một số lĩnh vực tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, tính chung 5 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất ổn định. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được bảo đảm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 tháng tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục (đạt 16,74 tỷ USD) về vốn đăng ký cấp mới trong vòng 4 năm trở lại đây. Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng khá nhờ kết quả sản xuất tích cực trong tháng 5 của ngành chế biến, chế tạo; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2019 ước tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Đăng ký doanh nghiệp thành lập mới tăng cao.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông; bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả...

Các thành viên Chính phủ cũng nhất trí rằng, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế còn nhiều, đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực trong những tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019- Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh một số định hướng lớn trong điều hành vĩ mô thời gian tới; nêu rõ quan điểm chỉ đạo nhất quán là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, thắng không kiêu, bại không nản; quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu của năm 2019, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để có các đối sách, phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả. Từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết số 01, 02 năm 2019 của Chính phủ.

Trên tinh thần này, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Trước các rủi ro từ bên ngoài, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời để ứng phó, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước...

Giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đối với tỷ giá, lãi suất để có giải pháp kịp thời; tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với cú sốc bên ngoài... Kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan phải tìm động lực tăng trưởng mới. Trong ổn định kinh tế vĩ mô, cần đặc biệt chú ý không tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm, tăng cường truyền thông, giám sát hành vi thao túng giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải tăng các cuộc họp đánh giá, phân tích.

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu. Đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính- NSNN; tăng cường quản lý thu-chi, bảo đảm cân đối NSNN.

Tiếp tục phân tích đánh giá tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu, đánh giá biểu giá, phương thức tính giá để đề xuất giải pháp phù hợp hơn, nhất là đối với người dân, cần tăng cường truyền thông, hạn chế bức xúc.

Bộ Tài chính, mà trước hết là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, làm đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá thị trường chứng khoán, tăng cường đánh giá, theo dõi dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua kênh thị trường chứng khoán để kiểm soát rủi ro, tình trạng chảy vốn và rủi ro lan truyền.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, chủ động tăng năng lực tiếp cận khai thác hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực, công việc của mình. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện, nhất là xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng kinh tế số; sớm hoàn thành khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ…

Bộ Khoa học và Công nghệ sớm trình các văn bản, chỉ thị thúc đẩy hấp thụ, phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, trình Thủ tướng phê duyệt điều lệ, tổ chức hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.

Quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng yêu cầu tiến độ, chất lượng đề ra, không cắt giảm theo kiểu hình thức, không để lợi ích nhóm chi phối.

Thủ tướng giao các bộ ngành hữu quan, các địa phương có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu các tồn tại trong lĩnh vực xã hội mà người dân, báo chí phản ánh nhiều như vấn đề về bạo lực học đường, gian lận thi cử...

Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án chặt chẽ; các địa phương chủ động, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về chất lượng kỳ thi, không để xảy ra tiêu cực; bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, minh bạch, trong sạch, thành công.

Thủ tướng cũng lưu ý các cấp, các ngành theo dõi sát diễn biến, tình hình thời tiết để tổ chức tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trực tiếp chỉ đạo các giải pháp đồng bộ ngăn chặn, dập dịch tả lợn châu Phi trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chỉ đạo có phương án tiêu thụ thịt lợn sạch, phương án tái đàn và nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, bảo đảm nguồn cung thịt cho người dân, không để giá thịt lợn lên cao, nhất là dịp cuối năm.

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường quản lý tài nguyên; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc thải bỏ rác thải nhựa; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm gây ô nhiễm môi trường.
 

Toàn cảnh buổi họp báo- Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, Văn phòng chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019. Họp báo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và đông đảo các nhà báo ở Trung ương và Hà Nội.

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông báo đến báo giới tóm tắt kết quả phiên họp Chính phủ tháng 5/2019 dưới dự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi mà các nhà báo và dư luận quan tâm thời gian qua, như: Quan điểm của Chính phủ về việc cấp phép ồ ạt xây dựng chung cư ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM; thông tin về việc ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy bỏ trốn; việc thanh tra dự án nhà ở của Báo Công an nhân dân; việc ban hành kết luận thanh tra dự bán đảo Sơn Trà và khu đô thị An Phước; những phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới; giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN...

PHÙNG NGUYÊN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201