Thứ Sáu, 19/4/2024 - 22:16:40 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kinh tế- xã hội tháng 4/2019 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực

THỨ BẢY, 04/05/2019 20:05:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Chiều 4/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 để cung cấp cho báo chí nhiều thông tin về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi họp báo- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ diễn ra trước đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2019; kết quả đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 2010-2017; việc tiếp thu, giải trình phương án phân bổ vốn và việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (theo kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 33); công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và một số nội dung quan trọng khác…

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 và thống nhất đánh giá kinh tế- xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong nước ổn định, tiếp tục đà phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện. Cụ thể:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Thị trường tiền tệ, tín dụng và tỷ giá tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/4/2019 tăng 3,23% so với cuối năm 2018; mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định; đặc biệt ngành lâm nghiệp, thủy sản duy trì mức tăng khá (gỗ khai thác tăng 4,3%; diện tích rừng bị cháy giảm 6,27%; sản lượng thủy sản tăng 5,1%).

Sản xuất công nghiệp đạt kết quả tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ tăng 12,9%).

Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.

Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% vốn đăng ký. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.

Thu NSNN duy trì tiến độ khả quan, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển.

Về nhiệm vụ thời gian tới, các thành viên Chính phủ cho rằng, để có thể đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra, thì nhiệm vụ từ nay đến cuối năm và trong Quý II là rất nặng nề, đòi hỏi, các Bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải có quyết tâm cao, tập trung thực hiện các kế hoạch; theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, phân tích kỹ xu hướng để đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới.

Chủ đề của năm 2019 đặt ra là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả". Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01, 02, Nghị quyết 35 và chương trình hành động của bộ ngành, địa phương, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, một số giải pháp là: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi; có phương án căn cơ để giải quyết việc xuất khẩu gạo, nông sản, thủy sản, chú trọng mặt hàng cá tra; theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; đề xuất giải pháp tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá đối với ngành du lịch cả về lượng, chất…
 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo liên quan đến các vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như: liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thanh tra giá điện; tại sao Bộ Công Thương lại đưa thông tin việc điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu vào danh mục Bí mật Nhà nước của ngành; Bộ Công an đang xử lý gian lận thi cử tại Hoà Bình như thế nào; quan điểm của Chính phủ về đề xuất của nhiều luật sự và dư luận cần tăng hình phạt đối với các lái xe sử dụng riệu bia khi tham gia giao thông; quan điểm của Chính phủ và NHNN về việc 4 ngân hàng thương mại khối nhà nước đang cấp bách xin tăng vốn…

Liên quan đến chỉ đạo thanh tra giá điện của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương đã căn cứ vào Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020. Xét đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điều kiện thực tiễn, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo trình Chính phủ về các phương án điều chỉnh tăng giá điện.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến phê duyệt Bộ Công Thương thực hiện, tăng giá 8,36% từ 20/3. Sau khi ban hành quyết định này, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến phản ánh hộ dùng điện người tiêu dùng phải trả tiền tăng đột biến so với tháng 3. Các nguyên nhân của việc này đã được EVN, Bộ Công Thương giải thích. Trước hết, chúng tôi chia sẻ bức xúc của người tiêu dùng khi hoá đơn tiền điện cao hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước đã thực hiện các biện pháp như: Yêu cầu EVN phải tiếp nhận xử lý giải đáp đầy đủ thắc mắc của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện tháng 4, trong trường hợp có lỗi phải xử lý nghiêm khắc sai phạm. Đồng thời, EVN tiếp tục thông tin, tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện để khách hàng hiểu rõ về cách tính mới, nguyên nhân tăng, mục đích tính giá điện theo bậc thang đối với hộ gia đình. Cuối cùng, EVN phải tiếp tục hoàn thiện cải tiến chất lượng phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt trong những tháng nắng nóng…

Ngày 2/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra Quyết định thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra thực hiện điều chỉnh giá điện theo đúng Quyết định 846 của Bộ Công Thương liên quan đến giá điện.

Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Công Thương kiểm tra việc này, sớm kết luận để việc tăng giá điện thực hiện đúng các quy định chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trước khi có quyết định tăng giá điện, Bộ Công Thương cùng các cơ quan thẩm định, trong đó có Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và nhiều cơ quan liên quan, đã có đánh giá tác động trình Chính phủ xem khi tăng giá điện ảnh hưởng mặt hàng khác như thế nào. Còn lãnh đạo Chính phủ, cụ thể là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá tác động gián tiếp tăng giá điện, báo cáo lại các cấp có thẩm quyền.

Ngay sáng 4/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá họp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã khẳng định, tính toán trong tháng 4 có mức tăng CPI hợp lý, bảo đảm vẫn thực hiện được mục tiêu về chỉ số CPI Chính phủ trình Quốc hội dưới 4%, thậm chí có thể dao động 3,3-3,9% trong năm 2019.

Thông tin thêm về nội dung này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì thanh tra việc tăng giá điện. Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đầu tuần tới triển khai ngay việc này. Tinh thần làm bảo đảm kết luận chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai theo chỉ đạo của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán điện; thứ hai là phương pháp tính, cách tính sau khi có quyết định. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ bảo đảm công khai theo quy định kết luận thanh tra.

PHÙNG NGUYÊN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201