Thứ Sáu, 26/4/2024 - 10:32:40 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán

THỨ NĂM, 25/03/2021 11:34:14 | TRONG NƯỚC
(BKTO)- Đó là một trong những nhiệm vụ của KTNN thời gian tới được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN vào sáng 25/3 tại hội trường Quốc hội.

 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN vào sáng 25/3


Báo cáo do Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày cho thấy: Trong nhiệm kỳ, với sự quyết tâm cao, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện đồng bộ các giải pháp, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác: 

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước

Giai đoạn 2016-2021, KTNN luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Ngay từ năm 2016, để triển khai thi hành Luật KTNN năm 2015, thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã ban hành Kế hoạch xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý liên quan đến hoạt động của KTNN. Kết quả, KTNN đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật và 57 văn bản quản lý nội bộ, trong đó đã xây dựng và ban hành mới Hệ thống 39 Chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế ISSAI phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Quyết liệt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán 

Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch và công khai. Ngoài KHKT hằng năm đã được phê duyệt theo Luật KTNN, KTNN thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức không có trong KHKT năm của KTNN.

Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sát hợp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán. Việc chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 được thực hiện quyết liệt, thường xuyên và liên tục; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán; tăng cường kiểm tra, giám sát các đoàn kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Nhờ đó, hoạt động kiểm toán đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
 
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị. 

Kiện toàn tổ chức bộ máy, mở rộng hợp tác quốc tế, hiện đại hóa điều kiện làm việc

Trong nhiệm kỳ, KTNN đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy của KTNN, không đề nghị thành lập mới tổ chức cấp vụ theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Đến nay, hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN được tổ chức theo mô hình tập trung thống nhất với chức năng, nhiệm vụ được phân công rõ ràng, khoa học gồm 32 đơn vị cấp Vụ và tương đương.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức KTNN từng bước được hoàn thiện cả về số lượng, cơ cấu, có năng lực, trình độ phù hợp. Trong nhiệm kỳ, KTNN đã tổ chức 2 kỳ thi tuyển dụng được 73 công chức trẻ, trình độ giỏi và thu hút 22 công chức theo chế độ thu hút nhân tài tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Đến nay, biên chế công chức của KTNN được UBTVQH giao ổn định từ năm 2013 là 1.974 công chức và 135 viên chức.

Nhiệm kỳ qua, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN không ngừng được mở rộng, tăng cường về chiều sâu, thiết thực và có hiệu quả; vai trò, vị thế của KTNN trong cộng đồng kiểm toán tối cao khu vực và thế giới ngày càng được khẳng định và nâng cao. KTNN Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 năm 2018 tại Hà Nội, là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 và Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021.

Được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nỗ lực của Ngành, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc đã phát triển không ngừng, từng bước hiện đại; hoạt động truyền thông ngày càng chuyên nghiệp; công tác nghiên cứu khoa học luôn gắn kết với hoạt động thực tiễn. Đến nay, KTNN đã xây dựng được trụ sở chính tại Hà Nội khang trang, hiện đại, 12/13 KTNN khu vực đã có trụ sở làm việc.
 
Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã xác định ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán là rất quan trọng, vừa mang tính đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển của KTNN vừa là xu thế thời đại, là cơ hội của KTNN, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc và gắn trách nhiệm của các cấp, các đơn vị, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị. Từ năm 2018, KTNN đã tổ chức thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ kiểm toán, đến nay đã số hóa được hơn 7 triệu trang tài liệu các loại để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác thông tin phục vụ công tác kiểm toán. 

Ngày 16/9/2020, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030). Việc ban hành Chiến lược không những có ý nghĩa quan trọng và cấp bách trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho KTNN hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm, khắc phục những bất cập và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

Về phương hướng, nhiệm vụ của KTNN trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: KTNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán trên cơ sở xây dựng phương án tổ chức kiểm toán hằng năm khoa học và chặt chẽ, chú trọng kết hợp, lồng ghép các cuộc kiểm toán, điều hành hoạt động kiểm toán theo hướng linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán; tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán theo thông lệ quốc tế và CNTT hiện đại dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tạo động lực đột phá nâng cao hiệu quả kiểm toán.
 
Thời gian tới, KTNN sẽ nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán NSNN các Bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề; kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. 

Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực KTNN theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Trong đó, chú trọng xây dựng bộ máy tham mưu hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; duy trì ổn định hoạt động các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực; xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc nâng cấp Ban Tài chính hiện nay đang trực thuộc Văn phòng KTNN thành Vụ Tài chính, nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán; phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý; trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung biên chế phù hợp với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Duy trì và tối ưu hóa lợi ích các mối quan hệ hợp tác song phương hiện có, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác song phương mới; đẩy mạnh triển khai, rà soát đánh giá việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế, hướng tới ký kết các thỏa thuận hợp tác vì mục tiêu tăng cường năng lực cho các lĩnh vực ưu tiên của KTNN.

Bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, tập trung đầu tư, cải tạo trụ sở làm việc đáp ứng được nhu cầu hạ tầng trong tương lai để tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN dựa trên nền tảng công nghệ số, thích ứng với sự thay đổi của phương pháp kiểm toán mới, hiện đại; phát triển Báo Kiểm toán theo hướng hiện đại, chất lượng, hiệu quả, xứng tầm là cơ quan ngôn luận của KTNN.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình chuyển đổi số của KTNN; từng bước nâng cấp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây, hình thành Trung tâm điều hành xử lý tập trung đa nhiệm của KTNN; xây dựng kho dữ liệu tập trung, đồng bộ, thống nhất, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán để tạo lập hệ thống dữ liệu lớn và kho tri thức ngành kiểm toán.
 

Quang cảnh Phiên họp sáng 25/3. Ảnh: Quochoi.vn


Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, để tạo điều kiện cho KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, KTNN trân trọng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện, phối hợp với KTNN trong thực hiện một số nội dung:

Hoàn thiện các văn bản pháp lý đảm bảo cho KTNN thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp.

Triển khai nhanh và có hiệu quả việc thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Tránh trùng lặp, chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tránh gây khó khăn cho địa phương, DN và các đơn vị có liên quan.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước.

Tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng và nâng cao năng lực của cơ quan KTNN; bổ sung biên chế cho KTNN theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

THÙY ANH
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201