Thứ Sáu, 29/3/2024 - 00:12:49 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng

THỨ SÁU, 11/01/2019 08:35:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Ngày 10/01, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Khóa XIV đã tiến hành Phiên họp thứ 30 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

 

Toàn cảnh Phiên họp thứ 30- Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại phiên họp này, trong thời gian một ngày, UBTVQH cho ý kiến về 3 vấn đề. Đó là, UBTVQH cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); tiến hành xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Đồng thời, UBTVQH sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 02 xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật thi hành án dân sự (sửa đổi).

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Tư pháp, các thành viên UBTVQH đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật, đó là: Về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ…

Theo đó, các ý kiến thảo luận cơ bản nhất trí với việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, thông qua lao động sẽ góp phần cải tạo phạm nhân thành người lương thiện, cải thiện cải thiện sức khỏe và góp phần tạo ra sản phẩm cho xã hội... Ngoài ra, việc lao động sản xuất cũng tạo cơ sở thực hiện các chính sách nhân đạo (như giảm án, đặc xá)... Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, cần có các quy định chặt chẽ, cụ thể về nguyên tắc loại tội phạm nào, mức độ hình phạt nào, độ tuổi lao động, thời hạn chấp hành án...để xét đưa đi lao động ngoài trại giam; bổ sung các quy định về việc hưởng thành quả lao động, sự tự nguyện tham gia lao động của phạm nhân cũng như bảo đảm các quy định của pháp luật về lao động.

Về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân là vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần phân biệt quyền của công dân bình thường với người phạm tội bị hạn chế quyền công dân, quy định cụ thể các quyền đã có, luật hóa những quy định đã có, hợp lý ở thông tư, còn những quyền mới cần nghiên cứu thêm.

Đối với quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại, UBTVQH thống nhất với quy định trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành án với pháp nhân thương mại; Luật quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự với pháp nhân thương mại.

Tiếp đó, UBTVQH đã tiến hành xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Theo đó, để bảo đảm hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia theo quy định, Tòa án nhân dân tối cao trình UBTVQH cử ông Đào Việt Trung- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, thay ông Giang Sơn- nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước (đã nghỉ hưu theo quy định).

Thẩm tra Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị UBTVQH cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền.

Qua xem xét các Tờ trình, lý lịch của người được đề cử, các tài liệu kèm theo, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Ủy ban Tư pháp nhận thấy ông Đào Việt Trung (sinh ngày 19/5/1959, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI (2011-2016), khóa XII (2016-2021) là người được đào tạo cơ bản, trải qua nhiều vị trí công tác, có nhiều kinh nghiệm trong công tác nên đủ điều kiện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Ủy ban Tư pháp đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định cử ông Đào Việt Trung làm Ủy viên để đảm bảo hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Thảo luận tại phiên họp, 100% các thành viên UBTVQH tán thành Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc cử ông Đào Việt Trung tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Chiều cùng ngày, trên cơ sở xem xét, thống nhất với nội dung tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, 100% thành viên UBTVQH đã biểu quyết tán thành việc điều chỉnh địa giới hành chính 02 xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.

Bế mạc Phiên họp thứ 30, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Phiên họp đã hoàn thành chương trình đề ra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đồng thời hoàn thiện 03 dự thảo Nghị quyết để ký ban hành.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

Để chuẩn bị nội dung cho Phiên họp thứ 31 của UBTVQH (dự kiến diễn ra vào ngày 20-21/2) và Phiên họp thứ 32 (dự kiến diễn ra từ ngày 15/3) với nhiều nội dung quan trọng cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương tích cực phối hợp với UBTVQH để triển khai công việc theo kế hoạch; không được chủ quan dẫn đến chậm trễ trong việc chuẩn bị các nội dung của phiên họp, dẫn đến tình trạng rút nội dung ra khỏi chương trình và dồn các nội dung vào sát kỳ họp Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung của các phiên họp tiếp theo của UBTVQH.

Nhấn mạnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã đi qua hơn nửa chẳng đường với nhiều kết quả ấn tượng, để góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị UBTVQH cần phải quyết liệt hơn nữa để hoàn thành khối lượng lớn công việc đề ra; đề nghị các cơ quan hữu quan phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đặc biệt là tồn tại về chậm tiến độ báo cáo và chất lượng chuẩn bị cho các nội dung; tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành để đảm bảo rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả phiên họp.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201