Thứ Năm, 25/4/2024 - 19:41:30 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nhiều Bộ, ngành, địa phương... thiếu nghiêm túc trong thực thi pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

THỨ NĂM, 12/04/2018 17:05:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2017. Tại Phiên họp, UBTVQH đã nghiêm khắc phê bình các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định của Luật THTK, CLP.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận. Ảnh: daibieunhandan.vn
 
17/35 Bộ, cơ quan ở Trung ương chưa ban hành Chương trình THTK, CLP

Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả THTK, CLP năm 2017 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, năm 2017, nhiều giải pháp THTK, CLP đã được triển khai có kết quả trên các lĩnh vực. Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP; nhiều Bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình THTK, CLP theo quy định của Luật THTK, CLP và bám sát yêu cầu mà Chính phủ đã đề ra.

Chính phủ cũng ban hành các chương trình hành động triển khai kịp thời, đồng bộ Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 
“Ngay hôm nay, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chưa có báo cáo và chưa có Chương trình hành động THTK, CLP". 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu lên tình trạng một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật THTK,CLP, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về THTK,CLP, như: không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định; không đánh giá, phân tích, không có số liệu về kết quả tiết kiệm, tình trạng lãng phí và những bất cập, hạn chế trong công tác THTK,CLP tại Bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình hoặc né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện.

Cụ thể, đến hết năm 2017, còn 17/35 Bộ, cơ quan ở T.Ư, 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và 16/22 tập đoàn, tổng công ty chưa ban hành Chương trình THTK,CLP năm 2017 gửi về Bộ Tài chính theo quy định; 4/34 Bộ, cơ quan T.Ư, 12/63 tỉnh, thành phố; 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi báo cáo kết quả THTK,CLP.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi Chương trình THTK, CLP để Bộ Tài chính tổng hợp, theo dõi; không gửi báo cáo kết quả THTK, CLP để tổng kết, đánh giá; nhiều báo cáo không nêu cụ thể số liệu, kết quả THTK, CLP tại ngành, đơn vị mình cũng như tại các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nên báo cáo của Chính phủ chủ yếu dựa vào kết quả của Thanh tra Bộ Tài chính, các cơ quan của Bộ Tài chính, không thể đánh giá được đầy đủ, toàn diện tình hình triển khai THTK, CLP, nhất là các vi phạm, sai sót.

“Thực trạng này thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật THTK, CLP và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, thiếu sót trong THTK,CLP”- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty không chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo việc THTK, CLP của đơn vị, dẫn đến số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính chưa sát, chưa phản ánh đúng tình hình THTK, CLP năm 2017.

“UBTVQH phê bình các Bộ, địa phương và tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo, điều này thể hiện sự thiếu nghiêm túc trong thực thi pháp luật. Đây cũng là nội dung giám sát của Quốc hội về chấp hành Luật THTK, CLP” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh. 

Cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, UBTVQH phê bình và đề nghị Chính phủ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty để xảy ra tình trạng nêu trên. 

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung số liệu đảm bảo đầy đủ, sát đúng và có sự so sánh giữa các năm để thể hiện rõ sự chuyển biến trong THTK, CLP, tránh tình trạng báo cáo “chay”.
 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: daibieunhandan.vn

Nhiều hạn chế chậm được khắc phục

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc THTK, CLP còn nhiều hạn chế chậm được khắc phục, điều này đã và đang gây ra sự lãng phí không nhỏ các nguồn lực của đất nước và trong sản xuất, đời sống của nhân dân.

Đối với THTK, CLP trong quản lý NSNN, công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn; nợ đọng thuế, nhất là những khoản không có khả năng thu còn lớn; quản lý, sử dụng sai nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương; chi ngân sách tạm ứng, ứng  trước ngoài dự toán chậm thu hồi; nợ xây dựng cơ bản sử dụng vốn đầu tư ở nhiều Bộ, địa phương còn dàn trải, lãng phí. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng chi NSNN sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ  tại nhiều đơn vị…

Cùng với đó, việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính. Quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ.

 
“Đến 31/01/2018, chỉ có 6 cơ quan T.Ư và 7/63 địa phương giải ngân hết kế hoạch; tổng thể giải ngân vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN chỉ đạt khoảng 86,3% dự toán; tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ rất thấp, chỉ khoảng 41,2% dự toán. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khả năng huy động vốn khó khăn, các công trình, dự án còn thiếu vốn, nhiều dự án không giải ngân hết vốn được giao là biểu hiện của việc chưa chấp hành nghiêm Luật THTK,CLP và pháp luật về NSNN”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải
Trước những bất cập này, các ý kiến trong UBTVQH cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá việc THTK, CLP trong những lĩnh vực then chốt.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nhấn mạnh: Vốn giải ngân chậm gây ra lãng phí kép vì Nhà nước phải trả lãi trong khi vốn tồn đọng, công trình kéo dài chậm được đưa vào sử dụng; việc vay vốn ODA cũng cần phân tích kỹ vì đây là một trong những nguyên nhân làm tăng trần nợ công. Đồng
thời, có phân tích đánh giá về việc khoán xe công, xử lý xe dôi dư…

“Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng cơ chế, chế độ và kiểm soát chặt chẽ Chương trình hành động THTK, CLP; tăng cường kiểm tra giám sát; tăng cường công tác kiểm toán và xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu trong THTK, CLP”- Trưởng ban Trần Văn Túy nói.
 
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, UBTVQH đã thống nhất thông qua Nghị quyết thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Nghị quyết thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Theo UBTVQH, việc thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng là cần thiết,  phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Thành lâp thị xã Phú Mỹ trên cơ sở nguyên trạng huyện Tân Thành và thành lập 5 phường (Phú Mỹ, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Tân Phước, Phước Hòa) thuộc thị xã Phú Mỹ trên cơ sở nguyên trạng các xã thuộc huyện Tân Thành, nhằm tạo cơ sở pháp lý và tiền đề cho địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển KT - XH và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn; phát huy mạnh mẽ chức năng đô thị trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
Đ. KHOA


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201