Thứ Năm, 28/3/2024 - 23:50:04 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng cường thanh tra, kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

THỨ NĂM, 23/06/2016 08:05:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Năm 2015, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) được đẩy mạnh với nhiều giải pháp và tạo được nhiều chuyển biến tích cực, song tại phiên thảo luận về kết quả THTK, CLP của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua vẫn còn nhiều băn khoăn, nhiều câu hỏi đặt ra cho thấy những hạn chế, bất cập của công tác này.


Đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm so với mục tiêu ban đầu, gây lãng phí tiền và NSNN. Ảnh: TS
 
Tiết kiệm gần 38 nghìn tỷ đồng

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Luật THTK, CLP cho biết: Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, trong năm 2015 các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 37.925 tỷ đồng, tăng 231% so với năm 2014. Trong đó, có một số Bộ, địa phương có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ Giao thông - Vận tải 23.932 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 1.519 tỷ đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường 600 tỷ đồng, Hà Nội 1.624 tỷ đồng; Đà Nẵng 570 tỷ đồng…

Làm lên kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động thanh tra, kiểm toán. Theo đó, trong năm 2015, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến THTK, CLP được đẩy mạnh đã phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, lãng phí gây thất thoát tiền của Nhà nước. Trong đó, thanh tra tài chính đã triển khai thực hiện 75.627 cuộc thanh, kiểm tra; kiểm tra hơn 1,2 triệu hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế; chủ trì bắt giữ 18.133 vụ buôn lậu; kết quả phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 38.608 tỷ đồng, đôn đốc đơn vị được thanh tra thực hiện nộp bổ sung số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2013 qua kiểm toán là 408 tỷ đồng.

Báo cáo của KTNN về kết quả THTK, CLP năm 2015 cũng cho thấy, công tác kiểm toán của KTNN đã bám sát công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, yêu cầu giám sát của Quốc hội. KTNN đã tiến hành 210 cuộc kiểm toán, được tổ chức thành 291 Đoàn kiểm toán. Bên cạnh việc kiểm toán Báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, KTNN đã tăng cường loại hình kiểm toán hoạt động; đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá kỹ hơn quá trình tổ chức, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Tính đến 18/02, KTNN đã xét duyệt 286/291 Báo cáo kiểm toán, phát hành 270/291 Báo cáo kiểm toán, trong đó 50/50 Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương đã phát hành kịp thời phục vụ việc phê chuẩn của HĐND các địa phương. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ các Báo cáo kiểm toán đã phát hành hoặc có dự thảo, KTNN đã kiến nghị xử lý về tài chính 18.636 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có vi phạm.

Thanh tra, kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế như việc quản lý, sử dụng NSNN có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí NSNN. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị tuy có chuyển biến nhưng còn hạn chế: sử dụng NSNN sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định. Năm 2015, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 32.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền khoảng 29 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, cơ quan thẩm tra thẳng thắn chỉ rõ một số dự án sử dụng kinh phí NSNN lãng phí, hiệu quả kém: đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, chi phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước; Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh, thành không có sinh viên sử dụng...

Đặc biệt, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đặt ra yêu cầu tại phiên thảo luận phải có những đánh giá rõ hơn về kết quả THTK, CLP. “Số liệu của KTNN cho thấy, 50 tỉnh, thành được kiểm toán có đến 40 tỉnh chi vượt dự toán. Trong đó, 6 tỉnh vượt trên 30%, có những tỉnh vượt 75%. Cần đánh giá lại xem chúng ta thực hành tiết kiệm ở đâu, đã thực hành tiết kiệm chưa khi chi tiêu vượt cao như vậy?” Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, thực trạng này đã được KTNN cảnh báo nhiều năm qua song vẫn lặp đi lặp lại.

Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài công tác tuyên truyền; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách và THTK, CLP, Chính phủ xác định sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc THTK, CLP tập trung vào một số lĩnh vực “nóng” gây bức xúc dư luận. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán THTK, CLP cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, để chỉ rõ tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí để biểu dương, khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

NGUYỄN HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201