Thứ Năm, 25/4/2024 - 01:31:05 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%

THỨ HAI, 30/12/2019 19:45:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Đó là điểm nhấn ấn tượng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm qua mà Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra vào 30/12.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị - Nguồn:chinhphu.vn


2 năm liên tiếp đạt và vượt 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Chính phủ Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, năm 2019,  kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng; tình Biển Đông diễn biến phức tạp; những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh (nhất là dịch tả lợn châu Phi) ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm với mục tiêu trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Nhờ đó, nền kinh tế đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2019. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Năng suất lao động tăng 6,2%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79%, thấp hơn mục tiêu đề ra và là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối khoảng 79 tỷ USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Tổng thu NSNN ước tính đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,44% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 46%. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2%; vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 20,4 tỷ USD; xuất nhập khẩu tăng và đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD; xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt 9,9 tỷ USD.

Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; sản xuất công nghiệp tăng mạnh; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến nay, 8 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn; 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn gần 2 năm. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 5 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%). Khách quốc tế ước đạt trên 18 triệu lượt, tăng 16,2%. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018 - mức tăng mạnh nhất thế giới. DN thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số DN thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục trên 138.000 DN, tổng số vốn đăng ký mới đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.

Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo cả năm khoảng 61-62%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%. Hệ thống đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 39,2%. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực; tạo thêm 1,62 triệu việc làm; mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội lên 32,5%. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là: kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm…

Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; chất lượng y tế cơ sở chưa cao; tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… còn xảy ra ở một số địa phương; ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm không khí tại một số thành phố; cải cách thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa thực chất…

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2020

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn.

Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hài hoà văn hoá, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác thông tin và truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quốc gia và môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển kinh tế, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính trung và dài hạn; tạo cơ sở vững chắc cho việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử Hội đồng dân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội khóa XV, tạo tiền đề thuận lợi cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

“Nhiệm vụ của năm 2020 là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước. Phát huy kết quả đạt được của năm 2019, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, chung sức đồng lòng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi, toà diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020” - Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

XUÂN HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201