Thứ Ba, 23/4/2024 - 15:51:36 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Khai mạc phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

THỨ TƯ, 08/05/2019 14:15:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Ngày 08/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành khai mạc Phiên họp thứ 34, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV. Theo chương trình dự kiến, phiên họp sẽ diễn ra đến hết ngày 10/5.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp- Ảnh: Q. Khánh

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 34 là phiên họp cuối của UBTVQH trước khi tiến hành Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét và cho ý kiến về một số nội dung với 4 nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất là cho ý kiến (lần 2) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và cho ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội.

Nhóm vấn đề thứ hai là UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo: Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2019; quyết toán NSNN năm 2017. Cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Nhóm vấn đề thứ ba, UBTVQH sẽ xem xét việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương; việc bổ sung dự toán NSNN năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh; việc chuyển nguồn vốn Dự án đóng mới 06 tàu kiểm ngư và Dự án sửa chữa nâng cấp 03 tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản viện trợ (thành tàu kiểm ngư) theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội. Xem xét việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung danh mục mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Nhóm vấn đề thứ tư, UBTVQH sẽ xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai: thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất; thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch; 6 phường thuộc thành phố Biên Hoà; việc sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội.

GDP quý I/2019 ước đạt 6,79%

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2019.

Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm được hoàn thành tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020.

Bước vào năm 2019, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, tình hình kinh tế- xã hội Việt Nam 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018. Tốc độ tăng GDP quý I/2019 ước đạt 6,79%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định. Thị trường ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, thanh khoản tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên. Thu, chi NSNN cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, DN thành lập mới tăng cao. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm dần.
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại Phiên họp- Ảnh: Q. Khánh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Tốc độ tăng GDP quý I/2019 ước đạt 6,79%, tuy vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011- 2017 nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Dịch tả lợn châu Phi là khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của ngành, thu nhập và đời sống của người nuôi. Ngành thủy sản duy trì mức tăng khá về sản lượng nhưng cũng gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia có cùng mặt hàng, như cá Tra xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc. Sản lượng khai thác cũng biến động do năm 2019 các địa phương bắt đầu thực hiện kiểm soát tàu đánh bắt thủy sản xa bờ để thực hiện Luật Thủy sản và khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về IUU. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (7,16%), năm 2017 (4,48%), nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (9,92%) và thấp hơn mục tiêu là 0,24 điểm phần trăm….

Quan ngại áp lực lạm phát

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội những tháng đầu năm 2019, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung. Trong đó, Tình hình sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại; sản xuất nông, lâm, thủy sản nhìn chung còn nhiều khó khăn; việc cơ cấu lại các ngân hàng mua lại bắt buộc và một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước còn khó khăn. Việc yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước; hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân…

Về chỉ số giá tiêu dùng, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm đạt 1,84% vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6-1,8%). Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016- 2020 gây quan ngại về áp lực lạm phát các quý tiếp theo và cả năm 2019, đồng thời giá thực phẩm năm 2019 có khả năng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra- Ảnh: Q. Khánh

Cũng đề cập đến vấn đề giá điện, thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần giải thích vì sao giá điện tăng, lý giải tính về phương pháp tính giá lẻ điện theo bậc thang, vốn đang có nhiều bất cập, cũng như thời điểm tăng giá điện đã hợp lý hay chưa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề của riêng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), việc tăng giá điện là được Chính phủ thông qua và làm theo lộ trình của Chính phủ, do vậy, Chính phủ phải lên tiếng giải thích xem làm như vậy có đúng hay không?

Cũng tại phiên thảo luận, một số thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ cần phân tích kỹ hơn những mặt trái của đời sống xã hội hiện nay. Đó là tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy ngày càng có quy mô lớn hơn; tai nạn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, nổi bật là tình trạng sử dụng ma túy, rượu, bia khi tham gia giao thông; các vụ gian lận thi cử; các vụ án giết người nghiêm trọng; tình trạng xâm hại trẻ em… Chính phủ cần làm rõ công tác quản lý xã hội hiện nay như thế nào và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về quyết toán NSNN năm 2017; xem xét việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh; việc chuyển nguồn vốn Dự án đóng mới 6 tàu kiểm ngư và Dự án sửa chữa nâng cấp 3 tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản viện trợ (thành tàu kiểm ngư) theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201