Thứ Năm, 02/5/2024 - 09:27:14 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò, nhiệm vụ quy định trong Hiến pháp và Luật KTNN

THỨ BA, 03/10/2017 18:30:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Trích ý kiến phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi làm việc với KTNN.


Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
 
…Trước hết, tôi đánh giá rất cao những kết quả hoạt động của KTNN, được thể hiện tại báo cáo do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên vừa trình bày. Trong các kỳ họp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), hoạt động của KTNN được Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các cơ quan, các đại biểu Quốc hội ghi nhận. Tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của KTNN có mặt tại đây và qua các đồng chí gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN lời chúc sức khoẻ và lời chào tốt đẹp nhất!

Việc “cơ quan Kiểm toán Nhà nước” và “Tổng Kiểm toán Nhà nước” lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm 2013, cùng với việc Quốc hội thông qua Luật KTNN năm 2015 đã tiếp tục tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho giai đoạn phát triển mới, cũng như khẳng định vai trò, vị trí của KTNN. Tuy nhiên, không phải chỉ từ khi được hiến định thì KTNN mới làm tốt, mà trong suốt quá trình hoạt động hơn 20 năm qua, qua nhiều thế hệ lãnh đạo, KTNN đã trưởng thành, phát triển như ngày hôm nay. Việc địa vị pháp lý của KTNN được hiến định đã thể hiện rõ điều đó. Tôi cho rằng cơ sở pháp lý đầy đủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của KTNN. Khi chúng ta tiếp các đoàn khách quốc tế về kiểm toán thì các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nói KTNN là cơ quan được hiến định, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; công khai, minh bạch, khách quan, trung thực. Tôi cho rằng hoạt động của KTNN đã có nhiều tiến bộ, tăng dần tính chuyên nghiệp, chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn, góp phần giải đáp những đòi hỏi bức xúc về quản lý kinh tế nói chung và quản lý tài chính - ngân sách nói riêng.

Tôi được biết, thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với KTNN. Điều đó càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của KTNN trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, nhất là trong bối cảnh nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, góp phần vào việc bảo đảm cho nền tài chính quốc gia ngày càng được lành mạnh, an toàn, bền vững và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh hơn.

Qua báo cáo cho thấy, kết quả kiểm toán năm 2016 và 8 tháng năm 2017 khá nổi bật, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành KTNN. Năm 2016, số kiến nghị xử lý tài chính đạt lớn nhất kể từ ngày thành lập KTNN đến nay. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Qua 8 tháng của năm 2017, KTNN kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN khá lớn, xấp xỉ bằng số thu ngân sách của 2 tỉnh trung bình. Đây là con số rất lớn, so với cùng kỳ năm trước tăng khá cao. Bên cạnh đó, góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, KTNN đã cung cấp hàng chục bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.

Tôi cho rằng các kiến nghị xử lý tài chính và việc xử lý tài chính đã có nhiều tiến bộ hơn trong năm 2016 và 8 tháng năm nay. Nhưng điều đó cho thấy việc chấp hành chính sách pháp luật về tài chính, về NSNN, kỷ cương, kỷ luật tài chính còn nhiều sai phạm. Vấn đề quan trọng là KTNN đã thể hiện ngày càng rõ hơn, đáp ứng tốt hơn vai trò, nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp và Luật KTNN; hoạt động của KTNN đạt nhiều kết quả tốt, giúp cho Quốc hội, Chính phủ nắm được tình hình để tăng cường chỉ đạo, quản lý, điều hành trong hoạt động lập pháp và hành pháp. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được của KTNN trong thời gian qua.

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc hôm nay, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy các kết quả đạt được; lưu ý các khó khăn, thuận lợi của kinh tế trong nước, sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chủ động và sáng tạo hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tôi rất mừng khi thấy KTNN đã bắt đầu ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động của mình trong điều kiện chúng ta đang tiến hành tinh gọn bộ máy hoạt động.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tôi nhất trí với các nội dung đã nêu trong báo cáo, đồng thời đề nghị các đồng chí quan tâm chú ý một số vấn đề sau:

Một là, KTNN cần tiếp tục bám sát, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bám sát Hiến pháp và hệ thống pháp luật trong mọi hoạt động. Hơn ai hết, các Kiểm toán viên nhà nước phải nắm vững Hiến pháp, thông hiểu mọi quy định của Luật KTNN, căn cứ vào đó để xác định đúng sai trong hoạt động chuyên môn. KTNN phải thể chế hóa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về kinh tế xã hội vào định hướng, mục tiêu và trọng tâm kiểm toán. KTNN phải chú ý đến các vấn đề mà dư luận quan tâm, bức xúc, bám sát hơi thở cuộc sống, đưa những vấn đề đó vào kế hoạch kiểm toán. Từ đó, cung cấp thông tin xác thực và kịp thời, phục vụ tốt nhất việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho Quốc hội xem xét, quyết định các chính sách về tài chính, tiền tệ quốc gia, thuế, NSNN và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán NSNN với chất lượng cao nhất.

Hai là, tích cực ban hành các văn bản liên quan để nhanh chóng đưa Luật KTNN vào cuộc sống, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động KTNN. Tại buổi làm việc hôm nay KTNN đề xuất 2 kiến nghị. Đó là kiến nghị ban hành Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực KTNN và đề nghị UBTVQH ban hành Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN 2015. Tôi đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu các đề nghị này, đảm bảo tính hợp pháp, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo Điều 7 Luật KTNN 2015 quy định giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán: “Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Sau khi kiểm toán xong phát hành báo cáo kiểm toán trong đó có kiến nghị thì chúng ta quan tâm đến việc thực hiện các kiến nghị này. Hiện nay việc thực hiện kiến nghị ngày càng tiến bộ nhưng vẫn còn một tỷ lệ nhất định là chưa thực hiện. Thế thì lấy căn cứ gì để ràng buộc, chế tài việc “có giá trị bắt buộc thực hiện” nếu đơn vị được kiểm toán không thực hiện. Nói cụ thể hơn, nếu KTNN phát hiện sự việc có dấu hiệu vi phạm về hình sự thì xử lý theo Điều 70 Luật KTNN 2015, đó là chuyển cho cơ quan điều tra hình sự, nhưng nếu chỉ vi phạm hành chính thì chưa có chế tài xứ lý. Đây liệu có phải là một khoảng trống của pháp luật không? Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, báo cáo với UBTVQH về xử lý kiến nghị này.

Tôi hoan nghênh Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành hệ thống Chuẩn mực KTNN. Các đồng chí cần chú trọng việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính.
Ba là, đảm bảo nguyên tắc “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” của KTNN và từng Kiểm toán viên nhà nước. Đây là nguyên tắc rất quan trọng, sống còn của hoạt động kiểm toán. Đồng thời, không ngừng tăng cường sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động; phân tích kỹ, đánh giá chính xác nguyên nhân để có giải pháp tăng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; khắc phục tình trạng phát hành báo cáo kiểm toán còn chậm hoặc chưa được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật KTNN; phối hợp công tác chặt chẽ hơn với các cơ quan thanh tra, kiểm tra để hạn chế hiện tượng chồng chéo tại cùng một đơn vị.

Bốn là, vừa qua, KTNN đã xây dựng và trình Bộ Chính trị, UBTVQH một số đề án quan trọng về biên chế, tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, chế độ đối với cán bộ, công chức. Việc này thể hiện KTNN đã xác định được chiến lược, kế hoạch tổng thể dài hạn và có sự rà soát, hoàn thiện phù hợp với tình hình mới. Trong thời gian tới, đề nghị các đồng chí tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài; đặc biệt, phải luôn coi trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, kiểm toán viên vững về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Đề án đầu tư Hệ thống trụ sở làm việc của KTNN theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tổ chức thành công Đại hội lần thứ 14 của Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) vào năm 2018 tại Hà Nội nhằm tận dụng cơ hội để tiếp cận nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán hiện đại, tiên tiến trên thế giới, nâng cao vị thế, hình ảnh của cơ quan KTNN nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Sáu là, để phục vụ Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016” và UBTVQH giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016”, đề nghị KTNN thực hiện kiểm toán sớm và tập hợp kết quả kiểm toán của các năm trước thuộc các lĩnh vực này, kịp thời cung cấp thông tin cho các đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH. Đây là kênh thông tin không thể thiếu và rất quan trọng nhằm phát hiện được những bất cập, hạn chế, dẫn đến thất thoát, mất tài sản nhà nước, từ đó tạo cơ sở kiến nghị sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách cho phù hợp.

Bảy là, đề nghị KTNN thực hiện kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 14; đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội để xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm toán năm 2018 đúng định hướng, có chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tôi cũng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của KTNN tại buổi làm việc này. UBTVQH sẽ giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xem xét và báo cáo UBTVQH, đặc biệt là đối với kiến nghị của KTNN về ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015.

Cuối cùng, xin chúc các đồng chí lãnh đạo KTNN, các đồng chí đại biểu cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN sức khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thắng lợi mới.

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201