Thứ Bảy, 27/4/2024 - 02:12:53 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sửa đổi Luật Chứng khoán: Bổ sung thêm các quy định để tăng tính minh bạch và kỷ luật thị trường

THỨ BA, 05/11/2019 10:35:00 | THỊ TRƯỜNG
(BKTO) - Tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo cần quy định trách nhiệm của công ty kiểm toán độc lập khi để lọt những báo cáo tài chính không trung thực, đồng thời, tăng chế tài xử phạt các hành vi gian lận, thao túng trên thị trường.

Cần quy định trách nhiệm của kiểm toán độc lập

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), chứng khoán là một thị trường giao dịch sản phẩm hàng hoá thông tin bất đối xứng, tức là chỉ có công ty chứng khoán biết rõ thực chất sản phẩm chứng khoán đó tốt như thế nào, còn người mua thì hoàn toàn tin vào báo cáo và sự giới thiệu của công ty chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư chứng khoán muốn quyết định đầu tư phải dựa vào bản cáo bạch của công ty, báo cáo kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập và sự kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nói cách khác, thị trường chứng khoán có được giao dịch một cách hoàn hảo hay không phụ thuộc rất lớn vào 3 yếu tố bao gồm: bản cáo bạch của các công ty đại chúng, báo cáo đánh giá của đơn vị kiểm toán độc lập và sự kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Khi 3 đơn vị này vận hành một cách trung thực, minh bạch thì tất cả nhà đầu tư sẽ không bị mua phải hàng hóa kém chất lượng hoặc phải chịu rủi ro. Chính vì vậy, để tạo ra một thị trường thực sự lành mạnh, việc kiểm soát tính minh bạch của 3 yếu tố cốt lõi này rất quan trọng. 

Liên quan đến công ty kiểm toán độc lập, Điều 20 Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận để thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện tổ chức kiểm toán được chấp thuận để thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. “Các quy định này cho thấy vai trò quan trọng của các công ty kiểm toán độc lập” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định. 

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đã cụ thể hóa các nghĩa vụ của công ty kiểm toán độc lập như sau: Báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi có thay đổi tên gọi, trụ sở chính, lĩnh vực hành nghề, danh sách kiểm toán viên hành nghề và các thay đổi dẫn đến việc không còn đủ điều kiện được chấp thuận kiểm toán; Giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Sau khi phát hành báo cáo kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, trường hợp phát hiện đơn vị được kiểm toán có những sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan đến báo cáo tài chính đã được kiểm toán thì phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, trách nhiệm của đơn vị kiểm toán độc lập khi để xảy ra những cáo không trung thực lại chưa được đề cập tại Dự thảo Luật. Mặt khác, Dự thảo đã nâng mức xử phạt đối với hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán, thế nhưng hiện nay, cơ quan quản lý mới chỉ xử lý các công ty chứng khoán, người giao dịch chứng khoán và công ty đại chúng, còn những đơn vị có chức năng kiểm soát hoạt động này lại chưa được quy định. Đây là điểm đáng lưu ý và cần phải được bổ sung vào Dự thảo Luật. 

Tăng chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Một vấn đề nữa được các đại biểu Quốc hội quan tâm là tình trạng vi phạm pháp luật về chứng khoán đang có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên, mức xử lý hiện nay còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nhận định, các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch có dấu hiệu nội gián... Do đó, để tăng cường phòng ngừa những hành vi này, Dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể liên quan đến việc nâng cao chất lượng minh bạch thông tin của các DN cũng như các bên tham gia thị trường chứng khoán. 

Cũng theo đại biểu Tuyết, “mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm” và “mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng” tại Dự thảo Luật là chưa mang tính răn đe. Do vậy, ngoài phạt tiền, Dự thảo Luật cần tăng cường chế tài xử phạt bổ sung như: treo giao dịch cổ phiếu, rút giấy phép hành nghề, đồng thời khắc phục tình trạng nộp tiền phạt xong vẫn vi phạm. Ngoài ra, Dự thảo Luật cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý nhằm nâng cao tính tuân thủ, cưỡng chế, thực thi trên thị trường. 

Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cũng cho rằng, việc tăng mức phạt tiền không phải là biện pháp duy nhất để ngăn chặn hành vi vi phạm mà cần có cơ chế thu hồi số tiền thu lợi bất chính do vi phạm mà có. Mặc dù Dự thảo Luật cũng đã quy định mức phạt bằng 10 lần thu nhập có được nhưng trong thực tế, DN không trực tiếp vi phạm mà có thể mang danh nghĩa của DN khác hoặc chuyển sang người thứ ba để hưởng lợi. Vì vậy, Dự thảo Luật cần quy định rõ cơ chế để thu hồi số tiền này đối với cả trường hợp vi phạm trực tiếp và không trực tiếp. Với một loạt các giải pháp: thu hồi số thu lợi bất chính mà có, đối tượng vi phạm còn bị phạt nặng tiền và bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, chế tài mới đảm bảo tính răn đe - đại biểu Chung nói.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201