(BKTO) - Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2022 của Bộ Công Thương chiều 12/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trao đổi thông tin về công tác điều hành giá xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu, vấn đề bình ổn giá và số lượng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu...
|
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng trong nền kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: VGP
|
Đảm bảo nguồn cung cho thị trường những tháng cuối năm
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giá xăng dầu trong nước diễn biến phù hợp với giá xăng dầu thế giới.
Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Đồng thời với việc tiếp tục khôi phục Quỹ Bình ổn giá để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chi phí kinh doanh xăng dầu, nhất là mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế phát sinh, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng cường nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Về nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, dự kiến xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu, lượng còn lại sẽ nhập khẩu để bảo đảm cung ứng cho thị trường.
Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 02 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Dung Quất trong 3 tháng cuối năm dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu xăng dầu trong nước. Hiện 02 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa và Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ vận hành ở mức 105% công suất trong quý IV/2022. |
Chú trọng quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Để đảm bảo ổn định thị trường, công tác quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn được Bộ Công Thương thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn.
Hiện cả nước chỉ có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 04 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay; 332 doanh nghiệp phân phối xăng dầu. Hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có khoảng gần 17.000 cửa hàng phân bố ở khắp các vùng miền trên cả nước.
Theo quy định, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc để cùng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng hàng hóa cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở các địa bàn trên cả nước.
Việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu với các điều kiện về phương tiện vận tải, kho chứa xăng dầu, phòng kiểm nghiệm xăng dầu, hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý... và quyền về nguồn hàng linh hoạt hơn đại lý bán lẻ xăng dầu đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng trên mọi miền đất nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hầu hết các nước trong khu vực không quy định về việc hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu, chưa kể một số nước khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này, nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường xăng dầu.
Việc quản lý nhà nước tại các nước trong khu vực chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm soát chất lượng, dự trữ bảo đảm an ninh năng lượng, tính an toàn trong kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì số lượng 02 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn là tương đối thấp, do điều kiện gia nhập thị trường làm thương nhân đầu mối của Việt Nam còn tương đối cao. |
Giá bán buôn có thể cao hơn giá bán lẻ ở một số thời điểm
Một vấn đề được đặt ra thời gian qua là giá bán buôn xăng dầu trong nước có thời điểm cao hơn giá bán lẻ xăng dầu khiến một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu thua lỗ, xin tạm ngừng kinh doanh hoặc đóng cửa… dẫn tới thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Nhà nước chỉ điều hành và quy định đối với giá bán lẻ xăng dầu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối có quyền quyết định giá bán buôn xăng dầu.
Như vậy, giá bán buôn xăng dầu được xác định hoàn toàn theo các quy luật thị trường (quy luật cung cầu, quy luật giá cả, quy luật giá trị...), do đó, giá bán buôn sẽ biến động liên tục lúc cao, lúc thấp và do các yếu tố trên thị trường quyết định.
Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo chu kỳ cố định khoảng 10 ngày/lần, trong khoảng 10 ngày đó, nếu giá bán lẻ được giữ ổn định sẽ có những lúc có thể thấp hơn giá bán buôn.
Ngoài ra, các chi phí cấu thành giá bán lẻ được rà soát, công bố định kỳ (6 tháng/lần) nên có những giai đoạn chi phí tăng cao nhưng chưa kịp phản ánh vào giá bán lẻ do nhà nước công bố, trong khi giá bán buôn luôn được cấu thành từ các chi phí thực tế phát sinh nên sẽ có thể chênh lệch cao hơn giá bán lẻ.
Kể cả trong trường hợp giá bán lẻ không phải do nhà nước điều hành, cũng như các hàng hóa khác trên thị trường, hiện tượng giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ vẫn có thể xảy ra do khi mua vào giá cao nhưng sau đó cầu giảm hoặc cung tăng, để cạnh tranh hoặc giảm chi phí lưu kho, các doanh nghiệp vẫn buộc phải bán lẻ với giá thấp hơn giá bán buôn - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ./.
QUỲNH ANH