Thứ Sáu, 29/3/2024 - 17:30:48 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sửa đổi Luật Chứng khoán nên tránh gây sốc cho doanh nghiệp

THỨ HAI, 19/11/2018 08:15:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Tại Hội thảo, TS. Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - đã đưa ra một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật lần này.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã có những cải cách đáng kể và tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực quốc tế. Nhiều điểm mới của Dự thảo vừa giảm bớt các điều kiện chặt chẽ gây khó khăn cho DN, vừa giúp DN có thể giảm thiểu rủi ro và thực thi quản trị một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Dự thảo vẫn còn một số vấn đề cần điều chỉnh để tạo điều kiện tốt hơn cho DN, đồng thời mở rộng thị trường chứng khoán.

Quy định siết chặt quá, doanh nghiệp có thể bị sốc 

Theo ông Vũ Bằng, thực tế quá trình điều hành thị trường vừa qua có để lại một số vết sạn, đó là DN huy động vốn, sau đó sử dụng sai mục đích. Mặc dù vậy, đây không phải là tình trạng phổ biến, chúng ta không nên vì những sai lầm như vậy mà siết chặt các quy định, ảnh hưởng tiêu cực đến các DN. Ông Vũ Bằng chỉ rõ, DN có thể bị sốc vì 3 điểm sau:

 

TS. Vũ Bằng
Một là, quy định về nhà đầu tư chứng khoán: Hiện, vấn đề chào bán riêng lẻ đang được Dự thảo Luật quy định ở phạm vi rất hẹp so với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, quy định về chào bán đại chúng cũng thắt chặt, DN không có cửa để huy động vốn. 

Về đối tượng, luật chứng khoán các nước quy định, ngoài cổ đông nhỏ lẻ, các nhà đầu tư chứng khoán đủ điều kiện chia thành 3 nhóm: nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tổ chức tài chính, ngân hàng, tổ chức bảo hiểm); nhà đầu tư đủ tiêu chuẩn tự chịu trách nhiệm (người có giấy phép hành nghề, có nghiệp vụ trong các tổ chức ngân hàng, tài chính); các DN. Trong khi đó, Dự thảo Luật của nước ta lại yêu cầu: các DN phải có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng. Đây là con số quá cao, quá ít DN đạt tiêu chuẩn nên sẽ không tiếp cận được vốn. 

Về cá nhân, Dự thảo Luật cũng đang quy định rất rườm rà. Với quy định của các nước, cá nhân phải có hiểu biết và có tài sản, đủ năng lực để tự chịu trách nhiệm. Riêng tài sản thì chỉ cần chứng minh thông qua nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản xác nhận giao dịch chuyển nhượng… Để vừa nới lỏng phạm vi, vừa dễ kiểm soát, ông Vũ Bằng đề nghị, Dự thảo Luật chỉ nên quy định đối tượng chào bán riêng lẻ là các nhà đầu tư đủ điều kiện như thông lệ các nước.

Hai là, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng: Điều 12 của Dự thảo quy định, tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành. Đây là quy định tân tiến, nhưng trong điều kiện Việt Nam hiện nay, vấn đề này sẽ rất khó áp dụng. Không chỉ vậy, Điều 25 còn quy định: nếu không đảm bảo điều kiện trên thì đợt phát hành được xem là không thành công và hủy bỏ. Điều này không chỉ khiến DN khó huy động vốn mà còn rất tốn kém. 

Một quy định nữa cũng gây khó cho DN, đó là yêu cầu vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu. Đây là con số quá lớn so với thực tế, gây khó khăn trong việc huy động vốn của các DN nhỏ và vừa. Theo ông Vũ Bằng, Dự thảo nên đồng nhất giữa trái phiếu với cổ phiếu, hoặc quy định vốn điều lệ ở mức 100 tỷ đồng để DN được mở rộng cơ hội tiếp cận vốn. 

Ba là, quy định về việc DN vi phạm sử dụng vốn, bị xử phạt hành chính sẽ không được cấp phép công ty đại chúng. Quy định này sẽ gây khó khăn cho thị trường. Việc bị xử phạt hành chính có thể xuất phát từ những lỗi rất nhỏ như chậm nộp báo cáo tài chính, vì vậy, quy định cần có sự linh hoạt để DN dễ thực hiện.

Kết hợp cả 3 yếu tố trên, có thể thấy rõ DN sẽ rất khó tiếp cận vốn vì không đáp ứng được các tiêu chí. Ông Vũ Bằng đánh giá, đây là vấn đề rất quan trọng, được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Do vậy, các quy định của Luật cần có sự đột phá theo hướng hỗ trợ tăng cường tính minh bạch của thị trường thay vì các điều kiện kiểm soát. 

Cần thay đổi cách quản lý các công ty đại chúng

Theo ý kiến của nguyên Chủ tịch UBCKNN, cam kết niêm yết là điểm rất tích cực để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, nhưng cam kết thôi cũng chưa đủ giải quyết được vấn đề, thế nên, cần có sự phối hợp giữa sở giao dịch và UBCKNN trong quá trình nộp hồ sơ chào bán ra công chúng. 

Cụ thể: DN nộp hồ sơ cho sở chứng khoán, sau đó sở cần có sự trao đổi nội bộ với UBCKNN để khi DN chào bán xong có thể niêm yết ngay, không nên để cổ phiếu nằm chờ rất lâu rồi mới lên niêm yết, gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư và không đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Hiện nay, UBCKNN đang gánh trách nhiệm quá nặng bởi có quá nhiều công ty đại chúng, Ngân hàng Thế giới cũng đã kiến nghị Việt Nam không nên mở rộng công ty đại chúng như vậy. Vì thế, Dự thảo Luật cần có cách tiếp cận hẹp lại để quản lý tốt hơn. 

Để đảm bảo việc tiếp cận DN lớn cũng như việc kết nối kiểm tra, giám sát trao đổi thông tin, TS. Vũ Bằng đề nghị nên quản lý các công ty theo 3 nhóm:

Nhóm một bao gồm những công ty chào bán ra công chúng nhưng phải đáp ứng nhiều điều kiện đã được quy định trong Dự thảo. Nhóm hai là những công ty đại chúng không lên niêm yết nhưng có 500 cổ đông trở lên. Thực tế, các cơ quan phải dựa vào niêm yết mới quản lý được, còn những công ty đại chúng không niêm yết trên sàn thì dù có quản lý cũng không để làm gì, chỉ nên quản lý những “ông lớn” để tăng khả năng giám sát. Nhóm ba là công ty đăng ký đại chúng để lên niêm yết có số lượng cổ đông ít hơn và vốn điều lệ khoảng 30 tỷ đồng, nhóm này nên đưa vào diện quản lý của sở chứng khoán.

Sở giao dịch là nơi thúc đẩy quản trị công ty nhưng thực tế hiện nay, việc quản lý vẫn theo cơ chế nhà nước. Bởi vậy, theo ông Vũ Bằng, vấn đề này nên có sự cải cách triệt để, tiến tới việc có sở hữu thành viên trong sở giao dịch. Nếu chúng ta chưa thể cải cách thành công ty cổ phần thì nên thành lập hội đồng quản trị, trong đó có sự tham gia đại diện của thành viên và chuyên gia độc lập. Đồng thời, sở cũng nên là cơ quan tiên phong trong quy định thành viên quản trị phải có 1/3 là thành viên độc lập.

NGUYỄN LY (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15 - 11 - 2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201