Thứ Năm, 18/4/2024 - 21:43:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Vì sao tạm dừng thanh toán dự án BT?

THỨ HAI, 15/10/2018 10:25:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Đầu năm nay, Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) kể từ ngày 01/01/2018. Việc dừng thanh toán này được thực hiện cho tới khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực.

Theo Bộ Tài chính, việc dừng thanh toán dự án BT được thực hiện cho tới khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực - Ảnh: Thái Anh
 
Giá đất thanh toán dự án BT phải theo giá thị trường

Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

Trả lời câu hỏi của báo chí về thời điểm xác định giá đất, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - cho biết: Thời điểm xác định giá đất là thời điểm thanh toán, cụ thể là thời điểm Nhà nước ban hành quyết định giao đất và cho thuê đất. Hơn nữa, việc xác định giá đất còn tính theo mục đích sử dụng mới. Nghĩa là, một khu đất trước đây được xác định là đất nông nghiệp hay đất để hoang hoá, sau khi quy hoạch là khu đô thị, khu đất đó bắt buộc phải xác định theo giá đất khu đô thị.

Nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án BT đã được các cơ quan thanh, kiểm tra chỉ ra trong thời gian qua. Kết quả kiểm toán của KTNN đối với 21 dự án BT cho thấy, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu mà không thực hiện đấu thầu. Đồng thời, phần lớn các dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình BT với đơn giá đất tại thời điểm giao đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình. Điều này dẫn đến tình trạng thanh toán không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho NSNN. 

Trước câu hỏi Bộ Tài chính sẽ có giải pháp nào để “bịt” lỗ hổng này, ông Thịnh cho biết: Quy định hiện nay cho phép nhà đầu tư khi xây dựng công trình theo hình thức BT được Nhà nước thanh toán bằng đất, nhà đất, công trình kết cấu hạ tầng để thực hiện dự án khác. Để ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí này, mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá việc thực hiện dự án BT để sửa đổi các chính sách, nhất là khâu lựa chọn nhà đầu tư, khâu giao đất và cho thuê đất. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các dự án BT phải được thực hiện thông qua đấu thầu hoặc đấu giá, nhằm chống thất thu NSNN và sử dụng hiệu quả đất đai.

Về việc thanh toán cho chủ đầu tư thực hiện dự án BT, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn việc này. Theo đó, giá đất, tài sản gắn liền với đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định theo giá thị trường. Trên cơ sở các phương pháp xác định giá đất như: so sánh, thặng dư, thu nhập và căn cứ vào từng dự án…, các sở tài nguyên và môi trường phải thuê thẩm định giá, sau đó, lãnh đạo UBND cấp tỉnh sẽ quyết định mức giá để tính toán cho nhà đầu tư. 

Chờ Nghị định hướng dẫn

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Chính phủ cũng đã ban hành 16 nghị định và quy định hướng dẫn thi hành Luật này. Tuy nhiên, đến nay, Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT vẫn chưa được ban hành. Theo đại diện Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay chưa có dự án BT nào được Nhà nước thanh toán bởi đang chờ Nghị định hướng dẫn.

Ông Thịnh thừa nhận: về nguyên tắc, khi Luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Tuy nhiên, do liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: quản lý tài sản công, đầu tư, xây dựng, đất đai... nên việc hoàn thiện Nghị định này đang bị chậm. Cũng vì liên quan đến nhiều lĩnh vực, Chính phủ cần phải rất thận trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện trước khi ban hành.

Trong khi chưa có Nghị định hướng dẫn thực hiện, ngay từ đầu năm nay, Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018. Việc dừng thanh toán này được thực hiện cho tới khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực.

Đến ngày 24/9/2018, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT để điều chỉnh các dự án đã ký hợp đồng BT trước ngày 01/01/2018. Khi xây dựng Dự thảo này, Bộ Tài chính thực hiện nguyên tắc: không làm ảnh hưởng tới các dự án đang triển khai; yêu cầu việc xác định giá trị tài sản công được sử dụng để thanh toán phải theo giá thị trường nhằm tránh thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước. Chỉ áp dụng giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần, không áp dụng với việc cho thuê trả tiền hằng năm. Giá đất để thanh toán được xác định theo quy định của Luật Đất đai, do UBND cấp tỉnh quyết định. Việc sử dụng tài sản công để thanh toán phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị của công trình BT được xác định theo quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và các quy định có liên quan. 

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục của quá trình thực hiện việc sử dụng tài sản công để thanh toán, về thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, hướng dẫn xác định giá trị tài sản thanh toán cho các nhà đầu tư theo giá thị trường...

Về quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư, ông Thịnh cho hay, trong đề xuất mới, Bộ Tài chính vẫn đề nghị quỹ đất này bao gồm: quỹ nhà đất của các cơ quan, đơn vị (thường là trụ sở cũ); quỹ đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (đất sạch) và quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chuyển đổi sang mục đích khác nhưng chưa thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng như quy định hiện hành. Tuy nhiên, khi xác định giá đất để thanh toán, cơ quan quản lý phải xác định theo mục đích sử dụng đất mới.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 11-10-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201