Thứ Ba, 23/4/2024 - 17:18:56 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

VEPR: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm 2018

THỨ TƯ, 10/10/2018 21:45:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Với mức tăng trưởng GDP 6,88% trong Quý III, Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý III/2018 của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố sáng 10/10 cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5- 6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra gần như chắc chắn thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay.

 

Toạ đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý III/2018 - Ảnh: Đ. Khoa



GDP 9 tháng tăng cao nhất từ năm 2011

Báo cáo của VEPR cho biết, mức tăng trưởng 6,88% của kinh tế Việt Nam trong Quý III/2018 đã xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm 2018. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất từ năm 2011.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là động lực chính của tăng trưởng- tiếp tục tăng trưởng cao 12,9%. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI. “Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài”-VEPR nhận định.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,89% trong ba quý đầu năm, trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ với mức tăng 8,48% là ngành tăng trưởng nhanh nhất khu vực và đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế tới Việt Nam 9 tháng đầu năm tăng đáng kể với trên 11,6 triệu lượt khách, tăng 22,9%. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cũng cho thấy sự phục hồi vững chắc với những yếu tố thuận lợi từ bên ngoài với mức tăng trưởng 3,65% - cao hơn tương đối nhiều so với cùng kỳ hai năm trước....

Với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của Quý III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6 ,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra gần như chắc chắn thực hiện được.

Những rủi ro lạm phát

Đề cập đến chỉ số lạm phát, VEPR cho rằng, chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong Quý IV. Tuy nhiên, VEPR bày tỏ lo ngại về diễn biến của tình hình giá năng lượng trên thế giới vẫn ở mức cao và việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng) kể từ 1/1/2019 sẽ tạo ra rủi ro lạm phát cho năm sau. Mức mục tiêu 4% như những năm vừa qua khó có thể đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy.

“Những tính toán sơ bộ của chúng tôi cho thấy chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm” - TS Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng VEPR cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Phạm Thế Anh- Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng cách đánh giá việc tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ ảnh hưởng tới lạm phát của năm 2019 tăng khoảng 0,07- 0,09 điểm phần trăm của cơ quan quản lý là quá thấp và chưa chính xác. Theo ông Phạm Thế Anh, giá xăng, dầu tăng còn kéo theo các tác động khác, ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu, hàng hoá, làm tăng chi phí sản xuất của DN.

Một nguyên nhân khác tác động tới chỉ số lạm phát đó là đồng USD ngày càng mạnh lên khi FED liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỷ giá VNĐ/USD sẽ tiếp tục có những biến động. Theo VEPR, việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VNĐ trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế. Trên thực tế lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tương đối mỏng tính theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho DN trong năm 2019 và 2020. Vì vậy, việc chủ động giảm giá VNĐ một cách khéo léo giữa mức mất giá của đồng nhân dân tệ (CNY) so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại.

Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc VNĐ đang tăng giá nhiều hơn CNY (so với USD) trong bối cảnh FED tăng lãi suất và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam, làm tăng lạm phát và hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh hơn. Do đó, thời gian tới cần có sự điều chỉnh tỷ giá của VNĐ ở mức cân bằng, nằm ở giữa sự mất giá của đồng CNY so với đồng USD.

Theo TS. Phạm Thế Anh, trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên chuyển hướng trọng tâm điều hành từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế sang mục tiêu kiểm soát lạm phát. Vì tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng đạt được mục tiêu, nên ngăn chặn lạm phát khi sức ép bắt đầu xuất hiện.

Viện trưởng VEPR thì cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng cải cách chuyển đổi thể chế theo hướng tạo lập nền kinh tế thị trường đầy đủ. Về mặt vĩ mô, Việt Nam cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dư địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước...

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201