Thứ Ba, 16/4/2024 - 22:14:59 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế

THỨ HAI, 04/03/2019 10:05:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Năm 2018, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ bối cảnh chung của thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, nhưng TTCK Việt Nam vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, để có thể nâng hạng TTCK Việt Nam từ “thị trường cận biên” lên thành “thị trường mới nổi”, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ còn rất nhiều việc quan trọng phải hoàn thành, đặc biệt là việc tạo lập niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thị trường chứng khoán “vượt khó thành công”

Theo Báo cáo của UBCKNN, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng 29%, từ 5.000 tỷ đồng/phiên (2017) lên 6.500 tỷ đồng/phiên (2018). Cùng với đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN niêm yết năm 2018 có sự cải thiện đáng kể về cả doanh thu (tăng 15,2%) và lợi nhuận sau thuế (tăng 21,4%). Về TTCK phái sinh, bình quân năm 2018, khối lượng giao dịch đạt 79.000 hợp đồng/phiên, gấp 7,2 lần so với năm 2017. 

Năm 2018, trong khi nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) rút vốn tại các thị trường khu vực, dòng vốn vẫn tiếp tục đổ vào TTCK Việt Nam. Giá trị mua ròng của NĐTNN trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên cao đột biến hơn 100 triệu USD, phiên đạt mức kỷ lục là hơn 1,25 tỷ USD. Tính chung trong cả năm, NĐTNN đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn. Điều này cho thấy sự tin tưởng của cộng đồng NĐTNN vào khả năng phát triển của thị trường Việt Nam và tạo tính thanh khoản cho TTCK. Đặc biệt, việc Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 cũng là một trong những động thái tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
 

Năm 2018, TTCK Việt Nam vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế - Ảnh: Thái Anh

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đánh giá TTCK Việt Nam năm 2018 bằng cụm từ: “vượt khó thành công”. Theo đó, trong bối cảnh TTCK toàn cầu biến động mạnh, TTCK Việt Nam lại ghi nhận một năm gặt hái được nhiều thành công với quy mô tăng, mức giảm điểm so với thế giới không đáng kể. Với mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 10 năm qua, từ 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% năm 2018, TTCK Việt Nam đã khẳng định là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế và được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018.  Quan trọng hơn, TTCK cùng với hệ thống tín dụng ngân hàng đã tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối, hiệu quả, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Dominic Scriven - Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital - TTCK Việt Nam có sức hút với NĐTNN một cách ấn tượng trong năm 2018. Tổng giá trị vốn hoá của ba thị trường cổ phiếu năm 2018 là trên 180 tỷ USD, tăng hơn ba lần trong 4 năm qua, chiếm khoảng 70% GDP. Tổng giá trị vốn hoá thị trường trái phiếu chính phủ đạt trên 50 tỷ USD, chiếm 20% GDP, lãi suất thực mà ngân sách phải trả trên vốn vay quốc gia đã giảm đáng kể so với nhiều năm trước. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị và minh bạch tại các công ty đại chúng không ngừng cải tiến ảnh hưởng lớn đến sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cần phải tăng tính minh bạch cho thị trường

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng TTCK Việt Nam năm 2018 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó nổi lên một số vấn đề như: các nhà đầu tư tham gia TTCK chủ yếu vẫn là cá nhân (chiếm 99,76%), thiếu vắng nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh như quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, tính minh bạch trên thị trường vẫn là điểm yếu, nhiều công ty chưa chủ động công khai thông tin về tình hình hoạt động, sử dụng vốn, quản trị công ty, số liệu báo cáo tài chính (BCTC) nhiều sai sót… 

Dưới góc độ một thành viên của TTCK, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI - nêu lên thực trạng: Phần lớn nhà đầu tư rất nhỏ lẻ, chưa có hiểu biết chuyên sâu về TTCK, vậy nên TTCK trở thành nơi bỏ tiền vào và rút ra nhanh để kiếm lời. Chúng ta chưa hình thành niềm tin để nhà đầu tư nhìn nhận TTCK là kênh giữ tiền và các DN cũng chưa hình thành tư duy đồng hành với nhà đầu tư. Để trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho DN, tất cả nằm ở hai chữ “minh bạch”.

Để tăng tính minh bạch của thị trường, Chủ tịch SSI kiến nghị: Chính phủ cần xây dựng quỹ chỉ số linh động hơn và việc công bố thông tin phải bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Đồng thời, Bộ Tài chính nên cho phép các tổ chức tài chính trung gian trực tiếp xây dựng quỹ chỉ số để đảm bảo việc bám sát thị trường, còn cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò xét duyệt. “Nhà đầu tư không sợ thua lỗ, họ sợ không công bằng và không minh bạch. Nếu thắng thì họ vui, còn không thì họ chấp nhận. Cái quan trọng là đừng để những người hiểu biết hơn, kiểm soát cuộc chơi hơn lấy được tiền của những người kém hiểu biết bằng những giải pháp không rõ ràng” - ông Hưng nhấn mạnh.

Đồng ý với quan điểm nêu trên, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam - cho rằng, một trong những điều kiện rất quan trọng để TTCK Việt Nam nâng bậc xếp hạng thành “thị trường mới nổi” chính là tính minh bạch, công khai, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư. Đối với riêng vấn đề công khai thông tin tài chính, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cũng khuyến khích BCTC phải được dịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ nào không phải là trọng điểm, quan trọng hơn là BCTC phải theo chuẩn mực quốc tế, có như vậy thì NĐTNN mới đọc và hiểu được. 

Chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Mục tiêu của Chính phủ là quy mô TTCK đạt 100% GDP vào năm 2020 và 120% vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ đưa ra 2 cam kết: một là, Chính phủ củng cố và tăng trưởng hơn nữa nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng sự chống chịu của hệ thống ngân hàng; hai là, Chính phủ cam kết duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không “ăn đong từng năm”, từ năm 2017 Chính phủ đã đánh giá rủi ro với từng loại thị trường và xây dựng kịch bản đến năm 2025. 

Trước hết, trong năm 2019, Bộ Tài chính cần hoàn thành và trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). Hành lang pháp lý rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho thị trường, khắc phục những bất hợp lý của thị trường hiện nay, qua đó đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng “thị trường cận biên” lên hạng “thị trường mới nổi” trên bảng xếp hạng MSCI và FISE. Bên cạnh đó, năm 2019, TTCK cần tiếp tục phát triển theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững có khả năng chống lại các cú sốc, va đập từ bên ngoài…

THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 28-02-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201