Thứ Bảy, 27/4/2024 - 09:20:56 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thị trường chứng khoán có thể duy trì xu hướng tăng đến cuối năm

THỨ HAI, 15/10/2018 10:35:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9/2018, VNIndex đóng cửa ở mức 1.017,13 điểm, tăng 3,34% so với cuối năm 2017. Đây là mức tăng điểm nhẹ, nhưng giữa rất nhiều thông tin tiêu cực của thị trường chứng khoán 9 tháng qua, việc VNIndex duy trì được đà tăng là một điểm sáng so với nhiều thị trường cận biên và mới nổi khác.

Khối ngoại duy trì mua ròng giá trị lớn kể từ đầu năm

Trong 9 tháng năm 2018, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE hơn 30,26 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị mua ròng này tập trung chủ yếu ở giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị lên đến 46,3 nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ xét riêng giao dịch khớp lệnh thì khối ngoại bán ròng 16 nghìn tỷ đồng.

Ngành khối ngoại đã mua ròng nhiều nhất là bất động sản với tổng giá trị lên đến 23,93 nghìn tỷ đồng; tiếp theo là lĩnh vực truyền thông với 2,67 nghìn tỷ đồng, bán lẻ 2,28 nghìn tỷ đồng, ngân hàng 1,68 nghìn tỷ đồng và dịch vụ tài chính 1,564 nghìn tỷ đồng. Các ngành bị bán ròng bao gồm: thực phẩm và đồ uống (-985 tỷ đồng), du lịch và giải trí (-852 tỷ đồng), xây dựng và vật liệu (-611 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (-514 tỷ đồng) và y tế (-417 tỷ đồng).

Xét riêng trong quý III, khối ngoại mua ròng chủ yếu ở ngành ngân hàng là 954 tỷ đồng, dịch vụ tài chính là 448 tỷ đồng, tài nguyên cơ bản là 412 tỷ đồng, điện nước và xăng dầu khí đốt là 341 tỷ đồng, du lịch và giải trí là 243 tỷ đồng. Trong khi đó, khối này bán ròng ở lĩnh vực bất động sản (-5.27 nghìn tỷ đồng), theo sau là thực phẩm và đồ uống (-786 tỷ đồng), y tế (-279 tỷ đồng), dầu khí (-101 tỷ đồng), hàng và dịch vụ công nghiệp (-76 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh quý III sẽ hỗ trợ thị trường trong tháng tới

Kết quả kinh doanh trong quý III được dự báo sẽ có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, tiếp nối đà tăng trong 6 tháng đầu năm tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao ở cả doanh thu lẫn lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2017. Sáu tháng đầu năm, trong tổng số 736 DN được đánh giá, có đến 461 DN tăng trưởng về doanh thu, 363 DN tăng trưởng về lợi nhuận. Tổng tăng trưởng doanh thu của 736 DN này đạt mức 27,79% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, tổng tăng trưởng lợi nhuận đạt mức 36,51% so với cùng kỳ năm 2017. Các DN dẫn đầu về tăng trưởng doanh thu là VIC, PLX, VHM, MWG và BID, còn về tăng trưởng lợi nhuận là VHM, MSN, VCB, TCB và GAS. 

Về diễn biến theo ngành, trong các ngành có sự tăng trưởng dương về mặt lợi nhuận thì ngành tài chính và ngân hàng dẫn đầu với tăng trưởng lợi nhuận ở mức 114,66% và 61,61% được dẫn dắt bởi VHM, VCB, TCB… Dự báo, kết quả kinh doanh quý III của các DN niêm yết sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong đó, các ngành như: ngân hàng, dầu khí, dệt may hay thủy sản sẽ có kết quả ấn tượng.

Tác động từ FED và thông tin chiến tranh thương mại 

Sau kỳ họp diễn ra trong 2 ngày 25 - 26/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất từ 2% lên 2,25%. Đây là động thái đã được dự đoán từ trước do nền kinh tế Mỹ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hậu tăng trưởng, khi chỉ số thất nghiệp đã giảm đến mức kỷ lục còn 3,9% và lạm phát đang ở mức 2,7%. Theo công bố của FED, sẽ có tổng cộng 4 đợt tăng lãi suất trong năm 2018. Như vậy, sau 3 đợt tăng vào tháng 01, tháng 6 và tháng 9, FED có thể sẽ tăng lãi suất vào kỳ họp tháng 11 hoặc tháng 12/2018. Đây là thông tin không tích cực, đặc biệt đối với các thị trường mới nổi, khi mà xu hướng rút vốn ròng khỏi nhóm nước mới nổi đã diễn ra từ tháng 02/2018. 

Việt Nam là một trong những thị trường cận biên ở khu vực châu Á, nhưng nhờ duy trì các chỉ số vĩ mô ổn định và tốt hơn các thị trường khác trong khu vực nên đây vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do các nhà đầu tư nước ngoài đã dần thích nghi với rủi ro này và bắt đầu đầu tư theo hướng có chọn lọc hơn thông qua các yếu tố cơ bản của các nền kinh tế. 

Về chiến tranh thương mại, tính đến nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã leo thang khá rõ rệt so với thời điểm cách đây khoảng 4 đến 5 tháng. Dù đã có khá nhiều cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước nhưng cuộc chiến này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điển hình là vào ngày 07/9/2018, tổng thống Donald Trump còn đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu lên 267 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Do diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở nên phức tạp nên khả năng leo thang của chiến tranh thương mại sẽ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thực tế thì các nhà đầu tư cũng dần thích nghi với yếu tố này và các diễn biến trước đã được phản ánh trong giá, vì vậy, mức độ ảnh hưởng lên thị trường đã giảm so với hồi tháng 6/2018. 

Đánh giá chung: Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm sẽ tăng điểm do sự hỗ trợ tâm lý tích cực từ các chỉ số vĩ mô, đặc biệt là từ sự tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh rất khả quan. Mặc dù vậy, thị trường cũng phải đối mặt với các yếu tố rủi ro khó lường, nhất là việc giá dầu tăng đột biến lên mức 100 USD/thùng; trong khi rủi ro đến từ chiến tranh thương mại đã không còn đáng kể và được dự đoán chỉ có tác động rất nhẹ đến diễn biến thị trường. Với sự ổn định như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ duy trì được xu hướng tăng cho đến cuối năm.
 
Trong 9 tháng qua, diễn biến của thị trường được chia ra làm 3 giai đoạn chính với các nhịp tăng, giảm đan xen. Giai đoạn 1, diễn ra từ đầu năm đến giữa tháng 4. Ở giai đoạn này, chỉ số VNIndex tăng mạnh 220,09 điểm tương đương với 22,36%, từ mốc 984,24 vào phiên giao dịch cuối năm 2017 lên mốc 1.204,33 vào ngày 12/4/2018. Giai đoạn 2, diễn ra từ trung tuần tháng 4 cho đến nửa đầu tháng 7, đây là giai đoạn thị trường chịu áp lực chốt lời mạnh, đồng thời, khối ngoại bán ròng mạnh ở các thị trường mới nổi. Trong giai đoạn này, chỉ số VNIndex giảm điểm liên tục, mất 311,17 điểm so với thời điểm đỉnh vào ngày 12/4, sau đó chạm đáy ở mức 893,16 điểm vào ngày 11/7. Giai đoạn gần đây, bắt đầu từ nửa đầu tháng 7 và đang tiếp diễn cho đến nay, đánh dấu sự phục hồi của chỉ số VNIndex. Dù không có sự tăng trưởng mạnh mẽ, vượt bậc nhưng diễn biến tích cực của chỉ số VNIndex đã cho thấy sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, kết quả kinh doanh thuận lợi của DN niêm yết chính là điểm tựa để thị trường diễn biến thuận lợi. Trong giai đoạn này, chỉ số VNIndex phục hồi tăng trên mức 1.000 điểm, lên mức 1.017,13 điểm (tính đến thời điểm 30/9 - hết quý III), tăng 32,89 điểm so với đầu năm (tương đương với 3,34%) và 56,35 điểm so với cuối quý II (tương đương với 5,87%).

PHẠM TIẾN DŨNG
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201