Chủ Nhật, 5/5/2024 - 18:10:05 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ngân hàng Việt vẫn gặp khó trong việc áp dụng Basel II

THỨ BA, 26/12/2017 11:05:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Việc áp dụng Basel II (Hiệp ước vốn do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng thiết lập) sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế. Nhằm tuân thủ Basel II, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước và các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, triển khai các hoạt động và dự án liên quan. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thành quả vẫn chưa như mong đợi khi chỉ 1 ngân hàng có được “trái ngọt”.

Ngân hàng Việt chưa thành công với Basel II

Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Phương Đông (OCB) chính là cái tên đầu tiên công bố hoàn thành dự án Basel II vào đầu tháng 12/2017 vừa qua. Với việc hoàn tất dự án Basel II, OCB đã có được một hệ thống quản lý rủi ro tiên tiến, hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để phát triển. 

Điều đáng bàn ở chỗ OCB không phải là 1 trong 10 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lựa chọn để thực hiện thí điểm Basel II. Cách đây gần 3 năm, NHNN đã “chọn mặt gửi vàng” 10 ngân hàng Việt áp dụng thí điểm Basel II gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Kỹ thương, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Hàng Hải, Ngân hàng TMCP Quốc tế. Các ngân hàng này sẽ hoàn thành việc tuân thủ Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp nâng cao vào các năm 2015 và 2018. 

Để thực hiện yêu cầu trên, hầu hết các ngân hàng đã thành lập Ban quản lý dự án Basel II, chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác. NHNN cũng đã cụ thể hóa các trụ cột của Basel II bằng nhiều thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, qua kiểm toán việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng năm 2015, KTNN đã nhận định, việc áp dụng chuẩn Basel II chưa đạt theo kế hoạch. Còn theo kết quả nghiên cứu được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro của các Ngân hàng thương mại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và lộ trình thực hiện” do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức vừa qua, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đã cao hơn 10% (vượt so với quy định 9%) nhưng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn trong hệ thống các ngân hàng. Việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về kế toán và công bố thông tin vẫn còn có sự khác biệt so với thế giới. 

Bên cạnh đó, Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc lĩnh vực kế toán và kiểm toán mà Ngân hàng Thế giới công bố mới đây đã chỉ rõ, mức độ tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi Basel của các ngân hàng chưa cao. Ví dụ, Nguyên tắc cốt lõi Basel số 26 sửa đổi (Kiểm toán viên và kiểm soát nội bộ) và Nguyên tắc cốt lõi Basel số 28 sửa đổi (Công bố và minh bạch thông tin) chỉ được các ngân hàng tuân thủ ở mức vừa phải.

Việc không thành lập Ủy ban kiểm toán đã làm giảm tính độc lập và hiệu lực của chức năng kiểm toán nội bộ. Chất lượng thông tin trong Báo cáo tài chính bị ảnh hưởng bởi những khác biệt của chuẩn mực Báo cáo tài chính trong nước so với quốc tế. Việc công bố Báo cáo tài chính lập theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế cũng không được khuyến khích và giám sát. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tuân thủ ở mức thấp đối với Nguyên tắc cốt lõi Basel số 27 sửa đổi (Báo cáo tài chính và kiểm toán độc lập). Đây là những minh chứng cho thấy các ngân hàng Việt vẫn chưa thành công trong việc áp dụng Basel II. 

Để ngân hàng Việt không bị tụt hậu…

Theo các chuyên gia, nhiều ngân hàng chưa thành công với Basel II là do gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, con người, thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu. Mặt khác, giai đoạn vừa qua, các ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực về nâng cao năng lực quản trị, tuân thủ kỷ luật thị trường và xử lý các vấn đề nội tại, đặc biệt là nợ xấu. Những hạn chế trong giám sát hệ thống từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng là một phần nguyên nhân khiến việc áp dụng Basel II của các ngân hàng chưa đạt được kết quả như mong đợi. 

Điều kiện quan trọng nhất trong triển khai Basel II là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Theo KTNN, việc áp dụng ngay các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về an toàn hoạt động theo Basel II đòi hỏi các ngân hàng phải bổ sung một khối lượng vốn điều lệ lớn. Nhưng trên thực tế, nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến tính khả thi trong việc triển khai áp dụng Basel II chưa cao. 

Một điều nữa mà Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Nguyễn Thị Thanh Sơn quan ngại là thế giới đã áp dụng Basel II từ 13 năm về trước và đầu tháng 12 này, Ủy ban Basel đã công bố Basel IV, nhưng hiện tại, ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thành công với Basel II.

Thách thức và nguy cơ tụt hậu so với thế giới đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục định hướng phát triển thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, trên cơ sở các thông tư đã ban hành, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho việc bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống theo các chuẩn mực quốc tế, tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng. Cùng với đó, nguồn nhân lực triển khai dự án Basel II tại các ngân hàng phải được chú trọng.

Đồng thời, nhằm đảm bảo chuẩn hóa các thông tin tài chính, các ngân hàng khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin. Đặc biệt, ngân hàng cần có lộ trình cụ thể cho việc tăng vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực quản trị điều hành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế - nhiều chuyên gia khuyến nghị.
 
Basel II là phiên bản thứ 2 của Hiệp ước Basel do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng ban hành năm 2004. Basel II gồm 3 trụ cột: đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn; nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro; tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng, tuân thủ kỷ luật thị trường. Việc áp dụng Basel II giúp ngân hàng hoạt động ổn định, lâu dài, lành mạnh, tăng năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.
 

NGỌC MAI 
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 21-12-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201