Thứ Sáu, 26/4/2024 - 08:07:05 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng?

THỨ NĂM, 22/02/2018 09:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%. Đây là lần đầu tiên NHNN đưa ra mục tiêu năm sau thấp hơn năm trước. Trong khi đó, năm 2017, tăng trưởng tín dụng vẫn vượt mục tiêu đề ra và cơ cấu tín dụng có nhiều thay đổi tích cực so với năm trước.

Năm thứ 2 liên tiếp tín dụng vượt 18%

Nhìn lại năm 2017, có thể thấy, nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đã đạt mức 18,17%, vượt mục tiêu 18% mà NHNN đề ra. Kết quả này cao hơn so với giai đoạn 2010-2015 song lại thấp hơn năm 2016 (18,71%). Đây là năm thứ 2 liên tiếp tín dụng vượt 18%.

Luật sư Lê Đình Vinh - Chủ tịch Công ty Luật Vietthink và nhiều chuyên gia khác cho rằng, tín dụng tăng như trên là hợp lý nếu so với tăng trưởng GDP năm 2017. Sự tăng trưởng này là bền vững, hiệu quả chứ không phải tăng trưởng nóng, chạy theo mệnh lệnh hành chính hay những chỉ tiêu. Điều này cho thấy Chính phủ cũng như NHNN đã chỉ đạo, điều tiết rất hiệu quả các công cụ lãi suất, duy trì được mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, bức tranh tín dụng năm 2017 còn có một số nét mới so với năm 2016 và những năm trước. Minh chứng là, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh khi có đến 80% tổng dư nợ tín dụng chảy vào lĩnh vực này. Trong đó, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 23%, cao hơn mức tăng 18% cùng kỳ năm ngoái, chiếm 20% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế; tín dụng thương mại dịch vụ tăng 12,94%, chiếm tỷ trọng 47,36%... Đặc biệt, năm qua, tín dụng tiêu dùng phát triển nhanh, tăng 24,67% so với năm 2016. Các ngân hàng có hệ thống cho vay tiêu dùng tương đối hoàn chỉnh trên nền tảng cơ sở dữ liệu được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin. 

Một điểm đáng lưu ý nữa trong cơ cấu tín dụng là năm qua, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao đã giảm so với năm 2016. Cụ thể, tín dụng bất động sản tăng 8,56%, trong khi năm 2016 tăng 12,86%; tín dụng đối với các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) giao thông đạt 7,43%, trong khi năm 2016 là 17,31%. 

Ngoài ra, tín dụng tiếp tục chảy vào một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Đến cuối tháng 11/2017, dư nợ tín dụng đối với: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 22%, DN ứng dụng công nghệ cao tăng 20%, lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03%, DN nhỏ và vừa tăng 11,53%...

Những con số trên là kết quả của việc triển khai nhiều biện pháp phù hợp. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia - trong năm qua, không ít gói tín dụng ưu đãi đã được các ngân hàng đưa ra để kích thích người dân và DN vay vốn. Cùng với đó, nhiều ngân hàng thương mại còn áp dụng cơ chế cho vay tín chấp; đồng thời thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục tín dụng. Mối quan hệ giữa ngân hàng và DN cũng được cải thiện hơn. Lòng tin và trách nhiệm quản lý đã được nâng lên. 

Hiệu quả và chất lượng là mục tiêu hàng đầu

Khép lại năm 2017 với những kết quả tích cực, năm 2018, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%. Dựa vào chỉ tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là lần đầu tiên NHNN đưa ra mục tiêu năm sau thấp hơn năm trước. Vậy vì sao NHNN lại giảm mục tiêu này so với năm 2017?

TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn Cấp cao Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - lý giải, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 là 6,7%, lạm phát được kiểm soát ở mức 4%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đưa ra là phù hợp với các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô. 

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, kết thúc năm 2017, vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng gấp đôi năm 2015. Kinh tế vĩ mô ổn định, các dòng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp chính là điều kiện thuận lợi giúp DN và nền kinh tế thu hút các nguồn vốn đầu tư khác, thay vì chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng. Bởi vậy, việc giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 so với năm trước là sát với nhu cầu thực tế. 

Tại cuộc họp báo công bố kết quả hoạt động ngân hàng năm 2017 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nêu rõ định hướng điều hành chính sách tín dụng. Đó là, điều hành tín dụng theo hướng kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động. Cùng với đó, vào cuối tháng 01/2018, NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao.

Rõ ràng, mục tiêu và định hướng mà NHNN nêu trên còn phần nào phản ánh sự thận trọng hơn trong điều hành chính sách tín dụng. Theo đó, năm 2018, thay vì “ào ạt” đổ vốn vào nền kinh tế mà chưa rõ hiệu quả, NHNN và các ngân hàng thương mại sẽ lưu tâm hơn tới diễn biến của thị trường để nắn dòng vốn tín dụng chảy đúng hướng, phù hợp với nhu cầu thực tế. Mục tiêu hàng đầu trong điều hành chính sách tín dụng là đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng, góp phần hỗ trợ, phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.

THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số 06 ra ngày 08-02-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201