Thứ Sáu, 19/4/2024 - 16:11:11 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Khơi thông điểm nghẽn để bứt phá tăng trưởng kinh tế

THỨ TƯ, 29/05/2019 16:30:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO)- Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực hiện và công bố sáng nay, 29/5 cho thấy nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức để đạt được tốc độ tăng trưởng theo dự kiến.

Nhiều thách thức ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 chỉ rõ: Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam chứng khiến không ít những thành tựu, đặc biệt ở việc duy trì mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm cũng như giữ lạm phát ở mức thấp dưới ngưỡng Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, bất chấp thu ngân sách vượt dự toán, thâm hụt ngân sách của năm 2018 vẫn ở mức 3,46% GDP. Tỷ lệ nợ công/GDP và nợ công/thu ngân sách có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Tỷ trọng chi thường xuyên cao, thâm hụt ngân sách dai dẳng cùng với nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh là những rủi ro tài khóa đáng chú ý.
 

Toàn cảnh buổi công bố Báo cáo Kinh tế thường niên 2019


Theo nhóm nghiên cứu của VEPR, ngay cả những kết quả đạt được của nền kinh tế thời gian qua cũng đang dựa trên một nền tảng vĩ mô còn thiếu chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay việc làm ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI với mức lợi ích ít nhưng rủi ro lớn về môi trường, và sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh với khu vực trong nước.

Thứ hai, khối DN tư nhân chưa lớn mạnh và còn chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước.

Thứ ba, dư địa chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp bởi sức ép lạm phát gia tăng cũng như bởi những cam kết đối với tỷ giá.

Cuối cùng, chính sách tài khóa không tạo nên những thay đổi tích cực trong cơ cấu thu ngân sách, trong khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách và khối tài sản nhà nước ngày càng giảm. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng lao động kéo dài suốt từ năm 2015 đến nay. Khu vực FDI vốn tạo ra nhiều việc làm cùng với mức tăng trưởng lao động nhanh cũng chỉ đạt 3,3% tăng trưởng.

Những bất cập này được cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019, khi nhiều thách thức vẫn chưa được giải quyết. “Năm 2019, ngay trong những tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do động lực từ bên trong và bên ngoài thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế đang yếu dần” - Báo cáo nêu rõ.

Cũng theo báo cáo, mức lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4-5%.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng

Đưa ra dự báo năm 2019 kinh tế Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5- 6,9%, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện VEPR và nhóm nghiên cứu cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng tối đa, từ nay đến cuối năm, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tạo được sự bứt phá trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Cụ thể:
 

Viện trưởng Viện VEPR Nguyễn Đức Thành


Tiếp tục đặt trọng tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm khắc phục thiếu sót trong nước và tận dụng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như các FTA.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thay vì sa đà vào việc cố gắng bảo vệ Tóm tắt báo cáo 7 và duy trì khu vực DNNN vốn không thể hoạt động hiệu quả bằng khu vực tư nhân.

Thứ hai, chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài. Lãi suất nên được giữ mức ổn định tạo điều kiện cho DN tiếp cận với thị trường vốn.

Thứ ba, ở mức độ dài hạn hơn, Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Đáng chú ý, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 tập trung đề cập đến tương lai nền kinh tế số ở Việt Nam và coi đây là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Theo nhóm nghiên cứu, xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội là nền tảng cho phép Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, đang diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước phát triển và diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển.

Điều này đặt ra những thách thức mới trước khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị toàn cầu. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó, nhưng sự chuẩn bị còn thiếu đầy đủ. Thách thức này cần được Chính phủ nhìn nhận và có giải pháp ứng phó, tận dụng để thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực và nền kinh tế phát triển..

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201